Làm IT trong công ty Non-Tech là làm gì?
Last updated: December 30, 2019 Xem trên toàn màn hình
Nếu là một người làm IT trong công ty không phải là công nghệ hay chuyên về lĩnh vực IT bạn thỉnh thoảng lại nghe những câu hỏi thắc mắc là bạn làm gì trong công ty chẳng liên quan gì đến chuyên môn. Hoặc bạn bè ái ngại “làm trong công ty đó có chán không, có lụt nghề không”. Trả lời mãi cũng mệt, thôi hôm nay các bạn để ITguru giải thích luôn một lần cho xong nhé!
Thật ra, trong các công ty non-tech, công nghệ thông tin (IT) ngày nay luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Không thể tưởng tượng một công ty nào đó mà không có ông IT nào hiện diện. Nếu công ty nhỏ xíu thì ít nhất cũng phải thuê dịch vụ ngoài một ông nào đó hỗ trợ. To hơn chút thì có vài anh, to nữa thì phải có cả một phòng IT to vật. Trong bài viết này mình chỉ đề cập đến các công ty to to có phòng IT và xem các ông IT làm gì trong đó nhé!
Làm sếp
Đầu tiên là vị trí làm.. sếp. Sếp ở đây có thể là trưởng phòng IT (IT Manager), là người chịu trách nhiệm chính mọi hoặc động của phòng IT, từ công nghệ, ngân sách, quy trình, hoạt động hàng ngày. Các ông sếp IT chưa hẳn là người phải nắm chuyên sâu về mọi thứ công nghệ hay hệ thống mà công ty đang sử dụng nhưng phải đủ khả năng điều binh khiển tướng các ông giỏi chuyên môn bên dưới. To hơn ông IT Manager là ông IT Director hay CTO, Chief Technology Officer hoặc các chức danh tương tự vậy. Thường các công ty to hay tập đoàn lớn mới có các ông này, chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động IT của cả tập đoàn. Dưới IT Manager là các trưởng nhóm (team leader) nếu công ty có nhiều hệ thống lớn, hoặc là các anh kỹ thuật chuyên sâu báo cáo trực tiếp. Nói ngắn gọn là sếp IT cũng có những sếp rất to, có những công ty to thì ổng ngồi chung mâm với các ông to khác như CFO.. cũng là chuyện thường tình cho đến các anh team leader có một hai anh hỗ trợ bên dưới.
Quản lý dự án
Ông này xếp ổng vào hàng sếp cũng được mà không cũng chẳng sao. Lý do là trong công ty non – tech đôi lúc ông này được đề bạt làm một dự án nào đó xong rồi thôi, ai quay về chỗ nấy, hoặc là có chức danh Project Manager chỉ chuyên trị các dự án không thôi. Với các dự án IT trong công ty non tech, thông thường không chỉ có phòng IT tham gia mà còn có các người sử dụng (end users) tham gia vào dự án trong nhiều công đoạn từ lúc manh nha cho đến khi kết thúc. Người làm quản lý dự án IT thường phải nắm về công nghệ đủ để làm với IT và cũng phải có khả năng điều binh khiển tướng các nhân viên dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau nếu cần. Các kỹ năng cần để làm ở vị trí này như quản lý, giao tiếp, phân tích, lập kế hoạch công việc và ngân sách, trình bày với các phòng ban, chuyên môn.. cũng khá là thách thức với người còn non kinh nghiệm.
Rất nhiều vị trí IT trong công ty Non-Tech làm các công việc thầm lặng - chiếm 80% khối lượng của tảng băng trôi.
Quản trị mạng
Gọi ông này là Neywork Administrator hay Network Engineer hay chức danh tương tự. Người làm vị trí này quản lý toàn bộ xương sống của hệ thống IT. Từ các thiết bị mạng cho đến các cấu hình mạng chạy bên trong đều phải qua tay mấy ông này. Thường các công ty lớn hệ thống mạng khá phức tạp và phải đáp ứng được các yêu cầu của các ứng dụng mà công ty sử dụng. Công việc không phải lúc nào cũng nhàn hạ như mọi người nghĩ mà có những khi sấp mặt vì hệ thống có sự cố, khi mạng chạy không ổn định, khi thiết bị hỏng và đặc biệt là phải theo dõi thường xuyên các thông số để có thể kịp thời ngăn ngừa các sự cố tìm ẩn.
Quản trị phát triển ứng dụng
Application Specialist, application support… những chức danh của những người chuyên “chăm sóc” các ứng dụng trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Cũng có có thể các doanh nghiệp non-tech có đội ngũ phát triển các ứng dụng tự xây dựng (in-house) nhưng thông thường là họ sử dụng các ứng dụng có trên thị trường và sử dụng nguồn lực ngoài (outsourcing) để tùy chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ rõ nhất là các doanh nghiệp sử dụng ERP của các hãng SAP hay JDE họ sẽ cần các nguồn lực ngoài hỗ trực việc cài đặt,tùy chỉnh (customize) và sau đó chuyển giao cho đội ngũ hỗ trợ ứng dụng của công ty. Nghĩ thì thấy công việc của họ các nhân viên hỗ trợ ứng dụng là đơn giản nhưng thật sự không phải vậy. Họ vừa phải nắm chắc về kỹ thuật để có thể hỗ trợ ngay khi có sự cố, vừa hiểu các quy trình về kinh doanh để có thể tư vấn hay điều chỉnh khi cần thiết trước khi kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Quản trị cơ sở dữ liệu
Tiếng Anh người ta gọi là Database Administrator, một vị trí cũng khá quan trọng trong các công ty có các ứng dụng có các cơ sở dữ liệu lớn (lớn ở đây là nhiều dữ liệu chứ không phải Big data như các bạn hay nghe chém gió khắp nơi, tất nhiên không loại trừ công ty có big data thật). Công việc thường là sử lý sự cố, đảm bảo cở sở dữ liệu (database) hoạt động liên tục, hiệu năng (performance) đáp ứng được theo yêu cầu kinh doanh của công ty. Họ phải theo dõi các database thường xuyên, chắc chắn rằng các cảnh báo (alert) phải được xem xét kỹ lưỡng để ngăn ngừa các sự cố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Hỗ trợ người dùng
Đó chính là các anh Helpdesk. Thường người ta hay nói vui là đội ngũ chui gầm bàn nhưng thật sự không có ý hạ thấp gì mà chỉ đơn giản là những người này làm mọi thứ để hỗ trợ người dùng cuối, kể cả chui xuống gầm bàn cắm dây mạng. Những người làm vị trí này cần có kiến thức về mạng, về phần cứng, phần mềm, hiểu công ty mình có các ứng dụng gì và họ cần hiểu đến một mức độ nhất định để có thể hỗ trợ user một cách hiệu quả. Ngoài ra, ai làm vị trí này cũng cần có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” để có thể vừa nghe những phàn nàn của user nhưng phải đảm bảo hỗ trợ một cách tốt nhất. Họ có những KPI đau đầu chứ không phải giỡn, ví dụ thời gian xử lý các yêu cầu hay sự cố trong khoản thời gian cho phép
Phân tích nghiệp vụ
Không phải công ty nào có phòng IT là có vị trí này. Phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) thông thường gắn với các phòng ban khác nhưng cũng có thể trong phòng IT nếu IT thường xuyên thực hiện những dự án về ứng dụng lớn đòi hỏi phải phân tích quy trình nghiệp vụ kinh doanh (business process) phức tạp như ERP, CRM.. Người làm vị trí này phải có kỹ năng phân tích, hiểu sâu về các quy trình của công ty, có khả năng viết tài liệu và cũng phải nắm về kỹ thuật tuy không càn quá sâu. Vị trí này cũng là cầu nối quan trọng giữa đội kỹ thuật và người sử dụng cuối, đảm bảo yêu cầu phải được đội kỹ thuật hiểu đúng và hiểu đúng thì phải phải làm ra thứ mà người sử dụng chấp nhận.
Kỹ sư dữ liệu (Data Engineering) / Data Analysis / Data Scientist
Ở Việt Nam vị trí này tương đối mới mẻ, thực tế có lẽ chưa có trường nào đào tạo. 3 vị trí này có điểm chung là cùng làm việc với dữ liệu, tuy nhiên có sự khác nhau như sau: Data Engineering là người biết lập trình vừa hiểu cách phân tích data, biết viết những chương trình phầm mềm để xử lý data đưa ra báo cáo gì đó.
Data Analysis là người sử dụng công cụ hoặc kết quả làm ra của Data Engineering để đưa ra được hành động hoặc kết luận phục vụ cho những vị trí khác về bussiness. Data Scientist là người ở tấng cao hơn, trừu tượng hơn so với Data Engineering, họ có thể ko biết lập trình, ko hiểu data như DA, tuy nhiên họ hiểu thuật toán xử lý dữ liệu và hướng dẫn Data Engineering xử lý được Data theo thuật toán mà họ hướng dẫn.
Đối với những vị trí trên thì sự hiểu data và khả năng phân tích dữ liệu để đưa ra đánh giá là những thứ cần thiết nhất (Nhất là với DA/DE)
Chuyên gia bảo mật
Vị trí Security Engineer, security specialist.. ngày càng quan trọng trong các công ty. Thường những chuyên gia này tham gia vào các công đoạn từ khi mới bắt đầu thiết kế một ứng dụng hay hệ thống IT nào đó của công ty, đảm bảo khi xây dựng và cài đặt phải tuân thủ các yêu cầu về bảo mật. Sau khi hệ thống đi vào vận hành cũng chính những chuyên gia này phải đảm bảo không có các sự cố như bị hack hay bị virus tấn công. Cũng có khi các network admin kiêm luôn vị trí về bảo mật này.
Quản trị server
Có thể có những tên gọi khác nhau như system admin, BackOffice specialist… Những người làm ở vị trí này người quản trị các server chạy trên các hệ điều hành khác nhau như Microsoft Windows, Linux, Unix… Ngoài việc cài đặt, quản trị các server, phân quyền người sử dụng họ còn phải lo việc sao lưu hay phục hồi server hay dữ liệu khi có yêu cầu. Nếu công ty lớn có nhiều hệ thống thì thường người làm về hệ điều hành Microsoft thường sẽ không làm về Unix hay Linux và ngược lại nhưng cũng có thể kiêm luôn trong một số trường hợp.
Còn gì nữa?
Ngoài những vị trí trên thì tùy công ty, yêu cầu, cách gọi mà có những vi trí khác nhau trong phòng IT. Đặc biệt ngày nay có nhiều công ty chuyển sang sử dụng các tài nguyên và dịch vụ đám mây (cloud) thì càng có nhiều vị trí mà trước đây không hề có và chúng ta sẽ tìm hiểu trong các bài viết khác.Vậy làm việc trong phòng IT của công ty Non-tech có chán không? Câu hỏi là có và không và nó cũng tương tự như bạn làm bất cứ công ty outsource hay product nào chuyên về IT vậy. Không là vì dù là làm trong công ty non tech nhưng bạn cũng phải chuyên sâu về kỹ thuật, cập nhật kiến thức ngành và kiến thức về các ứng dụng hay hệ thống mà bạn đang làm việc cùng một cách thường xuyên. Bạn cũng phải giao tiếp với nhiều users, có những kỹ năng mà không phải ai làm trong công ty công nghệ cũng có hoặc sử dụng đến. Một điều thích thú nữa là bạn sẽ hiểu rõ về quy trình, chiến lược kinh doanh của công ty bạn vì IT suy cho cùng là phục vụ việc kinh doanh của công ty, mang lại lợi nhuận. Còn cũng có khi bạn chán là nếu bạn làm ở một vị trí quá lâu, làm một vài ứng dụng duy nhất và công ty ít có sự thay đổi về công nghệ hay phát triển về kinh doanh. Mọi việc khi đó sẽ đều đều và đến lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy nhàm chán. Tất nhiên là bạn làm đủ lâu để cảm thấy muốn thay đổi chứ không phải ngày một ngày hai.
Nguồn: IT Guru.