Các phần mềm mã nguồn mở để tạo web bán hàng với chi phí thấp
Last updated: September 20, 2019 Xem trên toàn màn hình
Nếu bạn đang kinh doanh nhỏ với hình thức bán hàng qua mạng và có nhu cần mở một website bán hàng đơn giản thì các phần mềm mã nguồn mở (Open Source eCommerce Software) là một giải pháp hoàn hảo. Dù cho bạn có áp dụng thanh toán qua các cổng thanh toán trực tiếp (payment gateway) hay chỉ áp dụng thanh toán tiền mặt (cash delivery), thanh toán bằng chuyển khoản (wire transfer) hoặc đơn giản chí là một catalog sản phẩm trực tuyến, các phần mềm mã nguồn mở đều có thể đáp ứng theo nhu cầu kinh doanh của bạn.
Trước khi tham khảo danh sách các phần mềm mã nguồn mở tốt nhất dành cho bán hàng qua mạng, chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược một vài thuật ngữ liên quan nhé.
- Phần mềm mã nguồn mở (Open Source eCommerce Software) là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây là các phần mềm được một nhóm các nhà phát triển thiết kế và phát hành miễn phí cho phép người dùng sửa đổi mã nguồn.
- Các phần mềm này có thật sự miễn phí? Nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của bạn. Nếu bạn là một lập trình viên, “chi phí” của bạn chính là thời gian. Nếu bạn là một nhà kinh doanh và chưa có một chút kiến thức gì về web thì bạn cần phải thuê một nhà thiết kế web để cài đặt và hướng dẫn sử dụng cũng như bảo trì. Bạn nên cân nhắc chi phí theo nhu cầu giữa việc tạo ra một web bán hàng hay nên thuê các phần mềm web bán hàng có sẵn như Shopify, Big Commerce …
- Tóm lại chi phí cụ thể là bao nhiêu? Câu trả lời này tùy thuộc nhiều về khả năng của bạn, nếu bạn có một chút hiểu biết về máy tính cũng như kiến thức sơ lược về sử dụng email, web, tôi có thể liệt kê một số chi phí bạn phải trả:
- Mua tên miền – domain: bạn cần một thương hiệu riêng nên chọn mua một tên miền theo tên mình mong muốn, giá tên miền phụ thuộc vào phần mở rộng là .com, .net, .vn hay các phần mở rộng mới như .sale, .website… giá sẽ từ 220.000đ / 1 năm trở lên.
- Mua chổ lưu trữ – hosting: tùy theo loại hình kinh doanh, số lượng khách hàng và mặt hàng, theo tôi mức phí thấp nhất bạn phải trả là từ khoảng 200.000đ/ 1 tháng trở lên
- Cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng: tùy theo trình độ của bạn, nhà thiết kế web sẽ cung cấp các gói cài đặt, hướng dẫn sử dụng từ 700.000 – 2.000.000 đ (chưa bao gồm chi phí bảo trì)
- Thay đổi giao diện: đa số các phần mềm mà nguồn mở thường cung cấp miễn phí các giao diện cơ bản, nhưng nếu bạn muốn thay đổi như màu sắc, font chữ, gắn logo thương hiệu, banner thì bạn cần trả thêm chi phí cho nhà thiết kế web từ 1.000.000đ – 3.000.000đ tùy thuộc mức độ thay đổi nhiều ít, dơn giản hay phức tạp theo yêu cầu của bạn. Ngoài ra có một giải pháp khác là bạn có thể mua giao diện (theme) được thiết kế sẳn từ các nhà cung cấp thứ ba, có giá thông thường từ 700.000đ – 1.800.000đ. Các giao diện này thường dược thiết kế bắt mắt và chuyên nghiệp, tuy nhiên đôi khi bạn vẫn phải cần sửa đổi theo ý thích. Nếu vậy, bạn cần cộng thêm chi phí thay đổi giao diện như ở trên.
- Thay đổi hoặc thêm tính năng: thông thường các phần mềm thương mại điện tử đã bao gồm các tính năng cần thiết để bạn có thể mở ngay một website bán hàng. Tuy nhiên nếu có những yêu cầu cụ thể ngoài các tính năng cơ bản, bạn có thể phải nhờ các nhà thiết kế web tư vấn chọn lựa cài đặt thêm phần mở rộng, các phần mở rộng này có thể miễn phí hoặc có phí tùy thuộc nhà cung cấp thứ ba. Đôi khi những yêu cầu của bạn phải được thực hiện bằng cách thuê nhà phát triển web viết thêm mã nguồn, điều này sẽ dẫn đến những chi phí phát sinh không kiểm soát được. Tôi khuyên bạn cân nhắc không thêm quá nhiều tính năng chưa cần thiết mà hãy vận hành website một thời gian để kiểm chứng các nhu cầu thiết thực cần phát triển thêm.
- Nhập dữ liệu: đây là công đoạn đưa sản phẩm bao gồm nội dung chữ và hình ảnh lên web. Nếu bạn có khả năng tự làm theo hướng dẫn thì bạn sẽ tiết kiệm được khoảng chi phí này, ngược lại, bạn có thể thuê các quản trị viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm theo giá thỏa thuận để tải dữ liệu lên website.
- Những chi phí khác như bảo trì, hay quản trị website bạn cần tư vấn các nhà thiết kế web theo nhu cầu cụ thể tùy thuộc vào độ lớn của website như số lượng sản phẩm, số lượng khách truy cập ….
Dưới đây là một số phần mềm mã nguồn mở thông dụng nhất dành cho các chủ shop hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Magento
Rất có thể, dù bạn chưa biết bất cứ điều gì về phần mềm thương mại điện tử nhưng bạn đã có từng nghe đến Magento. Magento là một trong những tên tuổi lớn nhất trong các phần mềm thương mại điện tử, nó không chỉ là mã nguồn mở.
Magento có nhiều tính năng linh hoạt, có thể tạo ra website thương mại điện tử tuyệt vời cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và thậm chí cả lớn. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng Magento cần có những chuyên gia hoặc lập trình viên chuyên nghiệp giúp bạn thiết lập và hướng dẫn sử dụng. Các chức năng quản trị của Magento tương đối khó đối với những ai chưa có kinh nghiệm. Magento có ưu điểm mạnh ở các tính năng thiết lập các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên nhiên tôi không khuyến nghị bạn sử dụng Magento nếu trước đó chưa bao giờ vận hành một website thương mại điện tử.
Magento không bao gồm phần mã nguồn giúp xử lý thanh toán trực tuyến và bảo mật có sẳn, bạn phải trả tiền để có thêm các chức năng này.
2. osCommerce
osCommerce là một trong những tên tuổi lâu đời nhất trong các phần mềm thương mại điện tử, do đó nó được rất nhiều website bán hàng sử dụng . osCommerce đã có hơn 7.000 tích hợp miễn phí, và được hỗ trợ bởi một cộng đồng phát triển năng động. Theo các chuyên gia nhận xét, do được phát triển từ quá sớm, hệ thống phần mềm này được xem có dấu hiệu lỗi thời, vì vậy bạn cần phải cân nhắc khi sử dụng. Tuy nhiên, giống như Magento, nếu bạn có thể tìm ra cách để làm việc khi chọn giải pháp này, đó không phải là điều cản trở. Bạn nên lưu ý, mặc dù osCommerce có tính năng bảo mật, nhưng chúng rất kém, vì vậy bạn cần xây dựng thêm hệ thống bảo mật riêng cho mình.
3. Open Cart
Là phần mềm khá non trẻ, nó chỉ vừa được phát triển gần đây vào khoảng năm 2007. Được đánh giá có mã nguồn khá nhẹ do các chức năng còn quá đơn giản. Tuy nhiên khi được mang ra đánh giá, phần nhận xét thường bị chia ra làm 2 luồng khen chê trái ngược nhau, một số rất thích và số còn lại rất ghét.
Xét về tổng thể, Open Cart có giao diện quản trị khá bắt mắt và dễ sử dụng. Đối với các shop nhỏ, nó có thể phù hợp, tuy nhiên nếu cần bổ sung các tính năng hữu ích khác bằng phải thuê lập trình viên phát triển thêm. Nói tóm lại, Open Cart phù hợp cho các web shop nhỏ, đơn giản và người sử dụng không cần có nhiều kinh nghiệm để quản trị.
4. WooCommerce
WooCommerce là giải pháp khác biệt nhất trong danh sách này, nó không phải thật sự là một giải pháp thương mại điện tử độc lập mà là một phần mở rộng – plugin của WordPress, một phần mềm mã nguồn mở chuyên về quản lý nội dung như blog, website thông tin ….
Vì sao chúng tôi vẫn liệt kê nó ở đây? Bởi vì WooCommerce là một trong những giải pháp thương mại điện tử phổ biến nhất. Có rất nhiều website được xây dựng trên nền WordPress, WooCommerce là giải pháp nâng cấp website thông tin trở thành các website bán hàng. Bạn chỉ cần cài đặt WordPress trước, sau đó cài đặt plugin WooCommerce là có ngay một website bán hàng đã sẳn sàng. Một số khái quát về WooCommerce:
- Nếu bạn đang sử dụng WordPress, chắc chắn bạn sẽ không mấy khó khăn để quản trị WooCommerce. Nếu bạn chưa sử dụng, cũng không sao, bởi vì rất nhiều tài liệu hướng dẫn phổ biến trên internet bạn có thể tìm thấy do sự phổ biến của nó.
- Bạn nên sử dụng giao diện (theme) sẵn có của WooCommerce, điều này sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn
- Thực tế, WooCommerce thích hợp với phần lớn web shop đơn giản, nó không có nhiều tính năng sâu rộng như Magento, nhưng bù lại bạn sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí phát triển và vận hành.
- Một tính năng độc đáo của WooCommerce không có ở các phần mềm khác là one-page checkout, nó sẽ giúp bạn thiết lập các trang bán hàng với những sản phẩm và thanh toán trên cùng một trang.
5. SimpleCart
SimpleCart như tên gọi của nó, có lẽ là giải pháp đơn giản nhất trong danh sách này. Khẩu hiệu của nó là, “Tất cả những gì các bạn cần biết là HTML”, và theo đánh giá, đó là sự thật. Có thể SimpleCart là giải pháp tốt nhất trong danh sách này thích hợp cho các web bán hàng nhỏ. Một số tính năng đáng lưu ý của SimpleCart
- Do được thiết kế với cấu trúc đơn giản nên nó có khả năng tải rất nhanh. Như chúng ta đều biết, trong thế giới thương mại điện tử, mỗi giây chậm hiển thị do tải, các website bán hàng có khả năng mất đi 7% khách hàng tiềm năng.
- Bạn chỉ cần có kiến thức HTML cơ bản để thiết lập SimpleCart
- Nó hỗ trợ nhiều loại tiền tệ khác nhau, do đó thích hợp cho việc sử dụng tại Việt Nam (tương tự như Woocommerce)
- SimpleCart có hệ thống bảo mật khác mỏng manh, bạn cần phát triển thêm tính năng này.
6. PrestaShop
PrestaShop là một giải pháp mã nguồn mở khá độc đáo, mặc dù mã nguồn được cung cấp miễn phí nhưng công ty vẫn có những lợi nhuận từ các tiện ích xung quanh phần mềm này. PrestaShop có một cửa hàng bán toàn bộ các tiện ích tích hợp và mô-đun, một số trong số đó là miễn phí, và một số trong đó là một khoản phí một lần. Các tiện ích này đôi khi được tạo ra bởi các thành viên trong cộng đồng. Ngoài ra, PrestaShop còn cung cấp dịch vụ như là một nhà phát triển web. Do vậy bạn không phải di tìm kiếm những lập trình viên có kiến thức về Prestashop mà có thể thuê chính PrestaShop để thiết lập cửa hàng được thiết kế theo ý tưởng của bạn. Trong quá trình vận hành cửa hàng của bạn, bạn có thể được hỗ trợ không chỉ từ Prestashop mà còn từ cộng đồng bao gồm cả đào tạo và giải quyết những vấn đề phát sinh.
Prestashop có sẵn trên 1500 mẫu giao diện sẵn có, 500 mẫu trong số đó là loại cao cấp – premium dễ dàng cho bạn chọ lựa. Prestashop còn có tính năng báo cáo khá hữu ích thậm chí có thể so sánh với các phần mềm thương mại điện tử chuyên nghiệp dưới dạng cho thuê (hosted eCommerce), nó cung cấp hệ thống đánh giá thông minh hiệu quả hoạt động cũng như đưa ra các chẩn đoán tình hình kinh doanh của cửa hàng bạn (Intelligent Merchant KPI) cùng với nhiều tính năng độc đáo khác.
Trên đây là danh sách 6 phần mềm thông dụng nhất giúp bạn thiết lập một website bán hàng với chi phí thấp. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm chúng tôi có thể sẽ giúp bạn tư vấn miễn phí.