Đổi mới mang tính đột phá (Disruptive Innovation) và đổi mới tái tạo (Sustaining Innovation) là gì?
Last updated: September 18, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 04 Mar 2020 Kinh nghiệm lập dự toán chi phí dự án phần mềm theo phương pháp Man-Month
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 15 Feb 2021 Ứng dụng thuyết ngũ hành trong quản lý
- 01 Feb 2022 Thách thức với doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời đại VUCA
- 04 Mar 2019 Quản trị Team là gì? Team và Group khác nhau như thế nào?
Xuất hiện thập niên 2000 từ Giáo sư Clayton Christensen, lý thuyết “đổi mới mang tính đột phá” (disruptive innovation) luôn tạo sự thích thú và là tâm điểm của những buổi hội thảo của các bậc lãnh đạo toàn cầu.
“Disruptive innovation” càng hữu ích hơn đối với những Doanh nhân lập nghiệp, giải quyết câu hỏi muôn thuở: “Làm cách nào một gã chăn cừu nhỏ bé có thể đánh bại người khổng lồ?” (ẩn dụ trong câu chuyện David và Goliah).
Với “Disruptive innovation”, không còn ai nghi ngờ nó đơn thuần là lý thuyết suông khi tất cả chúng ta có thể chứng kiến đổi mới mang tính đột phá đang phá vỡ những mô hình kinh doanh truyền thống (BAU - Business As Usual). Những ví dụ luôn được nhắc đến như UBER, Airbnb một lần nữa xác nhận sức mạnh khi startup có thể nắm được thuyết “Disruptive innovation”.
Hầu hết các nhà đầu tư đều không quan tâm đến công nghệ hủy diệt (disruptive technologies). Họ ưa thích những thứ tài sản hữu hình, tỷ suất sinh lợi đã đạt được trong quá khứ và những yếu tố cơ bản khác của doanh nghiệp như lịch sử, kênh phân phối, thương hiệu... Tuy nhiên lịch sử đã trải qua nhiều cái "bẫy giá trị” (value traps) chết chóc như Blockbuster, Sears, Yahoo, Myspace... giữa kỷ nguyên chuyển đổi số hiện tại, chúng ta mới ngộ ra nhiều điều về thứ gọi là sáng tạo đột phá (Disruptive Innovation), mô hình kinh doanh đột phá (Business Disruption), xu hướng làm việc đột phá (Disruption at Work)...
Phân biệt 2 khái niệm đổi mới
Đổi mới tái tạo (Sustaining Innovation)
"Đổi mới tái tạo" hoặc "đổi mới duy trì" (Sustaining Innovation) là khái niệm ngược với Đổi mới mang tính đột phá (Disruptive Innovation).
“Sustaining Innovation” là những đổi mới dẫn đến sự cải tiến về mặt sản phẩm mà không thay đổi bản chất hay cấu trúc của thị trường đang nhắm đến. Doanh nghiệp áp dụng “đổi mới tái tạo” cố gắng giải quyết vấn đề đang hiện hữu trong thị trường một cách tốt hơn. Sự đổi mới đó có thể đem lại tính năng vượt trội hơn, giá thành rẻ hơn hay kiểu dáng đẹp hơn. Có thể nói, 99% đổi mới trên thị trường thuộc về loại này. Ví dụ: Google luôn nâng cấp các thuật toán để hoàn thiện hoá công cụ tìm kiếm, Yamaha ra đời công nghệ Blue core giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn, hay như Apple ra đời một chiếc iPhone mới phiên bản cao hơn.
“Sustaining Innovation” giúp doanh nghiệp tạo ra ưu thế cạnh tranh ngắn hạn và duy trì, tái tạo sự tăng trưởng bằng việc không ngừng nâng cao sự hài lòng của người tiêu dùng. Đặc tính của “đổi mới tái tạo” có thể chậm hoặc đột phá, nhưng không phá vỡ cấu trúc thị trường và có thể đoán trước được.
Sustaining Innovation có nhiều điểm tương đồng với Kaizen - một kỹ thuật thay đổi nhỏ và liên tục của người Nhật. Kaizen có nghĩa là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”. Khác biệt là ở chỗ: Sustaining Innovation mang lại sự cải tiến thông qua các cải tiến công nghệ (technology) hoặc quy trình mới có tác động mạnh hơn hơn so với phương pháp "chậm mà chắc" được thực hiện bởi con người hơn là công nghệ của Kaizen.
Đổi mới mang tính đột phá (Disruptive Innovation)
Ngược lại với “Sustaining Innovation” là “đổi mới mang tính đột phá” (Disruptive Innovation): đó là sự đổi mới khai phá một thị trường hoàn toàn mới. Nói một cách đơn giản, nếu như “Sustaining Innovation” cải thiện một thứ gì đó, thì “Disruptive Innovation” là làm một điều gì đó hoàn toàn mới (Sustaining innovation is doing things better, Disruptive innovation is doing things differently).
Thế giới có rất nhiều những gã khổng lồ công nghệ. Nhưng không phải bất kỳ gã khổng lồ nào cũng có thể đạt đến "cảnh giới" (giới hạn) cao nhất: "disrupt" (phá vỡ) toàn bộ thị trường để liên tục đạt các trạng thái mới. Những gã khổng lồ Goliath hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi David tí hon.
Theo Clayton Christensen trong cuốn sách "The Innovators’ Dilenma", “Disruptive Innovation” thường bắt đầu một với sản phẩm có tính năng tệ hơn những sản phẩm hiện tại. Tuy nhiên, sau một thời gian cải tiến, sản phẩm kia sẽ tạo được sự dịch chuyển khủng khiếp trên thị trường.
Một ví dụ là sản phẩm radio transistor của Sony tung vào năm 1955. Đó là chiếc radio chạy bằng pin đầu tiên, nhỏ hơn và vô cùng tiện lợi để di chuyển. So với sản phẩm radio analogue tại thị trường lúc bấy giờ, âm thanh của radio transistor vừa nhỏ vừa hay rè nhiễu sóng. Thú vị thay, chiếc radio của Sony ngay lập tức thu hút được giới teenagers, những khách hàng chuộng sự tiện lợi, giá rẻ. Với radio transistor, những thiếu niên nổi loạn này có thể đem chiếc radio của mình đi đến bất kỳ nơi nào để nghe rock and roll cùng bạn bè mà không lo về sự phiền toái từ ba mẹ. Thứ mà những cô cậu này cần là có thể đem âm nhạc đi đến bất kì nơi đâu cùng bạn bè, chứ không phải chất lượng âm thanh. Chiếc radio transistor là một sự đổi mới mang tính đột phá, khai phá một thị trường tưởng như không mang lại lợi nhuận. Và chỉ vài năm sau đó, khi radio transistor được cải tiến về mặt chất lượng, nó hoàn toàn thay thế chiếc analogue cồng kềnh.
Nếu nhìn vào lịch sử bạn sẽ thấy Apple chẳng bao giờ sáng tạo ra thứ gì thực sự mới cả. Máy nghe mp3 đến từ Hàn Quốc, "smartphone" đến từ Nokia và BlackBerry, tablet đến từ Microsoft, smartwatch đến từ Seiko... Triết lý của Steve Jobs (nhà sáng lập Apple) là: Connect the Dots.
Bí quyết của Steve Jobs về bản chất giống như trò chơi nối các điểm tạo thành một bức tranh dành cho trẻ em. Một bức tranh là sự kết nối của hàng trăm chấm nhỏ. Trong hóa học, một phân tử được tạo thành từ các nguyên tử. Một hợp chất được tạo thành từ nhiều đơn chất. Các nhà khoa học tìm ra các hợp chất mới nhờ phá vỡ các cấu trúc cũ, phá vỡ các quan niệm cũ...
Tuy nhiên, trong từng trường hợp, bước chân đầu tiên của Apple luôn khiến cho các thị trường truyền thống bị khuynh đảo. Minh chứng rõ rệt nhất là trường hợp của iPhone: trong khi khái niệm smartphone vốn đã thuộc về Nokia và BlackBerry từ lâu, kể từ khi iPhone ra đời, người tiêu dùng bắt đầu mang một khái niệm khác hẳn về những chiếc điện thoại trong mơ. Motorola, Nokia và BlackBerry lần lượt đi vào chỗ khó khăn, điện thoại tính năng (feature phone) càng ngày càng biến mất khỏi danh mục của các hãng lớn.
Đặc tính của “Disruptive Innovation”
- “Disruptive Innovation” giới thiệu đến thị trường một giá trị hoàn toàn khác biệt và có thể kém quan trọng hơn (như ví dụ radio: giá trị mới là sự tiện dụng, chứ không phải là chất lượng âm thanh).
- “Disruptive Innovation” khởi đầu bằng việc thu hút một phân khúc nhỏ, thị trường ngách ít được chú ý và không đem lại lợi nhuận cao.
- Những sản phẩm mới này có công năng kém, không hấp dẫn với phân khúc khách hàng chính của ngành hàng.
- Kết quả cuối cùng của “Disruptive Innovation” đó là một sự dịch chuyển thị trường rõ ràng. Nếu không phản ứng kịp, những gã khổng lồ sẽ phải nhìn thị phần sụt giảm từng ngày đến khi bị hoàn toàn chiếm lĩnh bởi những anh chàng “Disruptor” nhỏ bé. Chắc ai cũng nhớ đến case gã khổng lồ Kodak đã sụp đổ như thế nào.
Bốn giai đoạn của “Disruptive Innovation"
Trong bài báo "bốn giai đoạn phá vỡ" (Four Stages of Disruption), Steven Sinofsky đã chia "Disruptive Innovation" thành 4 giai đoạn như sau:
- Disruption (Sự phá vỡ): một sản phẩm mới xuất hiện nhưng mang công năng kém hơn những sản phẩm hiện tại.
- Evolution (Sự tiến hoá): sản phẩm được cải thiện liên tục thông qua hàng loại công cuộc “đổi mới duy trì” (sustaining innovation).
- Convergence (Sự hội tụ): sản phẩm mới giờ đây, với chất lượng ngang ngửa được nhìn nhận có thể thay thế cho sản phẩm phổ biến của thị trường.
- Reimagination (Sự tái tạo): trong giai đoạn này, bắt đầu xuất hiện sự bối rối và hỗn tạp khi sản phẩm mới mở ra quá nhiều câu hỏi và thị trường tiềm năng khác. Giai đoạn này lại mở ra một chu kỳ “Disruptive Innovation” mới.
“Disruptive Innovation” trong khởi nghiệp
Hiểu được “Disruptive Innovation” không những có lợi cho start-up mà còn vô cùng quan trọng đối với những lãnh đạo của doanh nghiệp lớn. Sự ảnh hưởng của “Disruptive Innovation” đã rút ngắn khoảng thời gian nắm giữ cương vị CEO của những công ty Fortune 500 xuống một nửa. Nếu các doanh nghiệp lớn không nhận thức được sự dịch chuyển chóng mặt từ sự cộng hưởng của “Disruptive Innovation” và công nghệ mang lại, ta cũng sẽ không ngạc nhiên chứng kiến thêm sự sụp đổ của những Kodak mới, những Nokia mới.
“Disruptive Innovation” nhắc nhở ta về việc quay về nguyên tắc cốt lõi về thấu hiểu người tiêu dùng. Chúng ta đã quá quen với “đổi mới tái tạo”, quá tập trung vào hoàn thiện sản phẩm "bình cũ rượu mới", mà quên đặt câu hỏi rằng: “Liệu một sản phẩm có tính năng vượt trội hơn có thực sự cần thiết cho người tiêu dùng?” Nói đến đây, chúng ta chợt nhớ đến lời của Steve Job:
Những "disruptors" đính đám trên thế giới
Apple không phải là "disruptor" duy nhất của thế giới hi-tech. Chính bản thân mảng kinh doanh nhạc số của Apple đã bị Spotify và Pandora làm cho gián đoạn cho đến khi Apple cũng phải từ bỏ thị trường bán nhạc và ra mắt dịch vụ stream của riêng mình. Đối thủ lớn nhất của Apple là Google đã vươn lên bằng cách làm khuynh đảo thế giới Internet, mở ra phương thức mới cho người dùng "mở cổng" vào web - qua tìm kiếm thay vì qua các trang web "tĩnh" như Yahoo. Sau này, Google còn thay đổi cả cách con người nhận/gửi mail bằng cách cung cấp dịch vụ Webmail chất lượng đầu tiên, phá vỡ mô hình phần mềm client (Outlook, Thunderbird) truyền thống. Kết quả là ngày nay trên 90% số người trên thế giới đang sử dụng dịch vụ gmail.
Bản thân gã khổng lồ Golliath "công cụ tìm kiếm google search" từng bị chao đảo bởi David tí hon "OpenAI" với dịch vụ ChatGPT cho kết quả tìm kiếm tốt hơn. Gã khổng lồ tìm kiếm đã trải qua vô số thất bại trong 2 năm mới có thể hoàn thiện dịch vụ Gemini của riêng mình từ đó đứng vững trước đối thủ ChatGPT.
Kết luận
Trong bối cảnh thế giới VUCA, khi mọi thứ ngày càng trở nên mơ hồ hơn và dễ bị thay thế hơn, việc hiểu được bản chất của “disruption” được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo. Do vậy "disruption" được xem là "cảnh giới" cao nhất của bất cứ doanh nhân nào muốn đạt thành công vang dội trong lĩnh vực của mình.
FAQ - Hỏi đáp
Disruptive là gì?
Disruptive là tính từ, có ý nghĩa tương tự Disruption (danh từ), có nghĩa là đột phá, phá cách, phá vỡ hay làm gián đoạn một thứ gì đó.
Business Disruption là gì?
Business Disruption mang ý nghĩa rộng và bao quát hơn, mô tả một doanh nghiệp (thường là hoạt động theo mô hình truyền thống (cũ) nào đó bị “qua mặt” bởi một doanh nghiệp khác.
Supply Disruption là gì?
Supply Disruption có nghĩa là làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khái niệm mô tả các chuỗi cung ứng bị gián đoạn (chẳng hạn như do Covid-19) hoặc một chuỗi cung ứng truyền thống nào đó bị “phá vỡ” bởi một chuỗi cung ứng mới hiện đại hơn.
Disruption at Work (WFH - Work From Home) là gì?
Disruption at Work là cuộc cách mạng về làm việc từ xa (Work From Home), phá vỡ mô hình làm việc truyền thống là ngồi tại văn phòng 8 tiếng mỗi ngày. Nhờ các công nghệ mới nhất được áp dụng để tự động hóa các quy trình làm việc, dẫn đến thế giới ngày càng "phẳng" hơn. Đại dịch covid-19 và công việc hậu đại dịch là những thử nghiệm cho phương pháp mới (WFH) phá vỡ mô hình làm việc truyền thống.