Hiệu ứng “rắn hổ mang” (Cobra effect): Khi giải pháp trở thành vấn đề, tưởng vui lại hóa xui
Last updated: August 31, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 01 Aug 2022 20 bài học kinh nghiệm rút ra từ Tam Quốc Diễn Nghĩa
- 18 Jul 2020 Lợi ích cận biên (Marginal Utility) là gì? Qui luật lợi ích cận biên giảm dần
- 01 Sep 2022 Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) có phải là một dạng bảo thủ?
- 01 Aug 2024 Infomercial - Chiến thuật "cô đọng" điều gì đó trong đầu người dùng
“Hiệu ứng Rắn Hổ Mang” cùng với "đại thảm sát chuột ở Hà Nội năm 1902" là các phiên bản của hiệu ứng "perverse incentive" (khuyến khích sai dẫn đến hậu quả trái ngược). Hiệu ứng khuyến khích này vô tình thưởng cho những người làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
“Hiệu ứng Rắn Hổ Mang” là một thuật ngữ trong kinh tế học đề cập đến các tình huống trong đó nỗ lực giải quyết một vấn đề lại khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
“Hiệu ứng Rắn Hổ Mang” được nhà kinh tế học người Đức Horst Siebert đặt ra dựa trên sự kiện có thật sau:
Hiệu ứng Rắn Hổ Mang thời thực dân Anh cai trị Ân Độ
Khi những người Anh cai trị Ấn Độ, những viên chức ở Delhi quan ngại về sự sinh trưởng mạnh mẽ của rắn hổ mang trong thành phố. Để kiểm soát vấn đề, chính quyền đã đề nghị treo thưởng cho mỗi bộ da rắn. Chương trình này đã tỏ ra hoạt động rất hiệu quả.
Trong một thời gian ngắn sau đó, rắn hổ mang bị giết rất nhiều và chính phủ hoàn toàn hài lòng về chương trình treo thưởng của mình. Tuy nhiên, một số tay buôn Ấn Độ nghe thấy cơ hội kiếm tiền từ chương trình và bắt đầu quay sang chủ động nuôi rắn hổ mang rồi giết để lấy da.
Khi chính phủ thu được quá nhiều bộ da rắn và họ phát hiện ra trò lừa đảo thì chương trình treo thưởng bị huỷ bỏ. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây.
Lúc này một số lượng lớn người nuôi rắn hổ mang ở Delhi bị bế tắc do đột ngột mất đầu ra dẫn tới “lượng hàng tồn kho lớn”. Họ thả xổng bầy rắn và một lần nữa Delhi lại chìm trong thảm họa rắn độc, lần này còn tệ hại hơn lần trước.
Bài học và hiệu ứng ngược của cuộc thảm sát chuột năm 1902 ở Hà Nội
Điều tương tự cũng diễn ra suốt thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam. Chuyện kể rằng vào đầu thế kỉ 20, các quan chức thuộc địa người Pháp muốn xây dựng Hà Nội thành một loại “tiểu Paris” hay “Ba Lê Nhỏ”, nên họ rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, cụ thể là tình trạng chuột gây dịch bệnh trong thành phố. Họ nghĩ ra một cách để diệt chuột là kêu gọi người bản xứ đi săn và diệt chuột, và cứ mỗi con chuột bị diệt thì thợ săn sẽ được thuởng tiền
Chính quyền đề nghị treo thưởng cho mỗi đuôi con chuột bị giết. Kết quả: Người dân bắt đầu nuôi chuột để lấy đuôi. Hàng đàn chuột lại bị thả ra, thoát ngược trở lại thành phố. Khi các quan chức bắt đầu nhận thấy những con chuột không có đuôi ở khắp các cống rãnh và sinh sản thêm chuột, họ lập tức hủy chương trình này.
Các bài học hiệu ứng Rắn Hổ Mang thời hiện đại
1. Ngân hàng WellsFargo đặt ra mục tiêu doanh số không tưởng và đồng thời gây áp lực nặng nề lên nhân viên. Kết quả: hàng loạt tài khoản không xác thực được mở bởi nhân viên nhằm đạt mục tiêu doanh số và giữ việc làm.
2. Vào khoảng năm 2017, thành phố Philadelphia ở Hoa Kỳ đã thông qua "thuế soda" - thuế 1 đô la Mỹ đối với một chai nước ngọt thông thường 2 lít - như một "thuế tội lỗi" trong cuộc chiến quốc gia chống béo phì. Nhưng người bản xứ không cắt giảm lượng calo do thuế đánh vào đồ uống có đường, cũng như không có sự chuyển hướng sang bất kỳ lựa chọn lành mạnh nào hơn. Thay vào đó, hầu hết họ chỉ lái xe ra ngoài thành phố để mua những loại cola tương tự từ những cửa hàng mà họ không phải trả thuế. Nhưng những người nghèo nhất phải trả nhiều tiền hơn vì họ không đủ khả năng để lái xe ra khỏi thành phố để mua đồ uống. Kết quả: thành phố bị mất doanh thu do doanh số bán hàng thấp hơn trong khi xã hội ở tầng lớp thấp hơn phải trả nhiều tiền hơn.
3. Ở nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là Mexico City, tình trạng ô nhiễm không khí và tắc đường do xe cộ lưu thông quá nhiều đã gây rất nhiều phiền toái cho người dân ở nơi đây. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền ở các thành phố đã quyết định áp dụng biện pháp phân ngày chẵn lẻ cho xe, cụ thể: Tại Mexico từ năm 1989, nếu biển số một chiếc xe là số chẵn, thì xe này sẽ không được phép lưu thông vào khung giờ nóng (6:00 – 8:30 và 15:00 – 19:30) các ngày lẻ trong tuần. Đối với các xe có biển số chẵn thì cũng tương tự vào ngày chẵn. Ngày cuối tuần (chủ nhật), các xe sẽ không bị cấm lưu thông.
Với biện pháp này, các nhà hoạch định hi vọng rằng lưu lượng xe sẽ giảm, góp phần giải quyết vụ kẹt xe và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, mọi việc chẳng hề được như mong đợi…Sau 6 năm áp dụng việc phân chia giờ lưu thông ở Mexico City, một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã công bố một kết quả nghiên cứu khá đau thương: để đối phó với tình trạng hạn chế lưu thông, nhiều gia đình ở Mexico City đã… chi thêm tiền mua thêm một chiếc xe khác, nhằm thay phiên sử dụng, xe biển chẵn ngày chẵn và biển lẻ ngày lẻ.
Điều này khiến cho số lượng xe sở hữu bởi người dân gia tăng và lưu lượng xe hàng ngày hoàn toàn không giảm bớt vào giờ cao điểm. Đau đớn hơn, vào những giờ thấp điểm hay cuối tuần, những chiếc xe mua dư sẽ được các gia đình tận dụng, khiến cho lưu lượng xe ở các thời điểm này tăng lên so với trước.
Không chỉ dừng lại ở việc tắc đường không hề thuyên giảm, tình hình ô nhiễm môi trường cũng không được cải thiện. Do lưu lượng xe trung bình tăng lên, khí thải xe cũng không ngần ngại gì mà không tăng. Đáng buồn hơn nữa, do phải chi tiền để mua đến 2 chiếc xe, các gia đình ở Mexico City có xu hướng mua lại những chiếc xe cũ thay vì xe đời mới. Vì thường thì xe cũ hao xăng và ô nhiễm hơn xe mới, nên tình trạng ô nhiễm tại thành phố này lại càng có xu hướng xấu đi.
Thế là, thay vì giảm được mật độ xe và ô nhiễm không khí, thì chính quyền Mexico City đã vô tình khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây thêm khó chịu, ồn ào và bụi bặm…
4. Trong Marketing năm 1984, McDonald tung ra chiến dịch tặng đồ ăn miễn phí nếu nước Mỹ giành được huy chương trong kỳ Olympics. Dù đã nghiên cứu số liệu Olympics những năm trước (trung bình 90 huy chương), năm đó Soviet không tham gia và Mỹ đã “gặt” đến 174 huy chương các loại. Người tiêu dùng có thể dùng một bữa đầy đủ bánh, nước, khoai tây mà không mất một xu, và McDonald có lẽ là những người mong nước Mỹ thua nhất…
5. Việt Nam khi bước sang thế kỷ 21 với nền kinh tế thị trường đã ghi nhận nhiều hiệu ứng Rắn Hổ Mang ở nhiều vấn đề kinh tế xã hội. Trong thế giới showbiz, nhiều nghệ sỹ cố tình tạo scandal, chấp nhận bị phạt để thu hút chú ý livestream, bán hàng. Tình trạng này xuất phát từ mô hình "kinh doanh dựa trên sự chú ý". Người nổi tiếng nghĩ ra một sự kiện gây sốc, sau đó lập ra hai nhóm fan và anti-fan, để hai đối tượng tranh cãi. Tiếp đó, họ kiếm luật sư, làm việc với cơ quan chức năng, chấp nhận đóng phạt hành chính, rồi tiếp tục livestream bán hàng.
Tương tự như vậy, "nhà giá rẻ cho người nghèo" nhưng không đến được tay người nghèo do đã bị đầu cơ nâng giá bởi những người thuộc tầng lớp trung lưu đi "ô tô đến đăng ký mua nhà giá rẻ" rồi bán lại qua nhiều trung gian, đẩy giá nhà lên cao khiến cho người nghèo càng khó mua nhà hơn.
Hiệu ứng Rắn Hổ Mang: Kỳ vọng sụp đổ khi giải pháp biến thành vấn đề
Một trong những định luật mạnh mẽ nhất là định luật về hiệu ứng phụ, ám chỉ việc cố gắng giải quyết vấn đề nào đó và càng làm nó tệ hơn. Trong kinh doanh, hiệu ứng rắn hổ mang đối nghịch với hiệu ứng lựa chọn bất lợi. Trong lựa chọn bất lợi, người mua hàng trong một giao dịch sở hữu nhiều thông tin hơn người bán và sử dụng kiến thức đó để giành lợi thế. Ví dụ: một người có chiếc xe đã qua thời hạn bảo hành nhưng lại muốn sửa chữa xe miễn phí sẽ mua thêm bảo hành trước khi mang xe tới xưởng. Trong hiệu ứng rắn hổ mang, thực chất đó là người bán với kiến thức nhiều hơn người mua, đã cố tình tạo ra “kẽ hở” đó và tận dụng nó để kiếm lời (khiến người ta mua thêm thời hạn bảo hành).
Những bài học về các hậu quả ngoài ý muốn: giải pháp lại hóa vấn đề, tưởng vui lại hóa xui...
Tương tự, trong thị trường lao động, nếu giảm lương để đối phó với dư thừa lao động thì có thể cũng gặp vấn đề nói trên. Người giỏi sẽ nghỉ, còn người dở sẽ ở lại, vô tình làm cho người thuê lao động tích lũy nhân lực tồi.
Đôi khi không làm gì (không can thiệp, vô vi) lại thành ra làm được rất nhiều há chẳng phải là trí khôn từ ngàn xưa để lại hay sao…
Lời kết, xin trích lời khuyên của nhà kinh tế học Steve Levitt về việc áp dụng những chính sách có tính chất khuyến khích: “Tôi nghĩ bạn nên bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng không cá nhân nào hay tổ chức nào sẽ có thể thông minh hơn những người nghĩ cách lách luật của bạn. Vì vậy, khi đưa ra một chính sách khuyến khích nào, bạn sẽ phải chấp nhận là dù cho bạn có thông minh hay cẩn thận đến đâu, sẽ có ai đó nghĩ ra được cách lợi dụng chính sách đó cho lợi ích riêng của họ.”
By Editing Team, TIGO Solutions