Trung Quốc: Nhiều trang trại cho gà đeo smartwear, theo dõi vòng đời bằng blockchain
Last updated: October 14, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 24 Jun 2024 Apache Pulsar là gì?
- 26 Sep 2024 Đội quân dán nhãn AI của tỷ phú 27 tuổi
- 07 Aug 2024 Top 15 Kỹ Thuật Tối Ưu Khi Sử Dụng ChatGPT
- 01 Oct 2024 Tổng hợp: 40 thuật ngữ Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) cần biết
- 08 Oct 2024 Giải thích 25 thuật ngữ Data Science theo cách dễ hiểu cho người ngoại đạo
2 giờ đi xe bus gập ghềnh từ Trùng Khánh nhộn nhịp sẽ đưa ta đến thị trấn Tam Kiều, Qúy Châu. Ẩn mình giữa những ngọn núi xanh ngút ngàn là một trại gà bên sườn đồi.
Trong diện tích hơn 2 héc-ta là 6000 con gà đi bộ. Vào những ngày hè nóng nực, hầu hết chúng trốn trong chuồng để tránh nắng. Hoàng hôn xuống, lũ gà mới ra ngoài giao lưu với nhau.
Một trong những người nông dân tại trại gà này là Giang Tống, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Tam Kiều. Sau khi làm công nhân nhà máy ở Quảng Đông ngót 10 năm, người cha của 2 đứa trẻ quá mệt mỏi vì xa gia đình, anh chỉ được về quê 2 lần mỗi năm - điều hầu hết dân lao động từ nông thôn Trung Quốc phải đánh đổi để có thu nhập ổn định.
Còn hiện tại, Giang đã có cuộc sống nhàn nhã hơn nhờ tham gia chăn nuôi "gà blockchain", phân phối chúng với giá 238 tệ/con (hơn 800.000 đồng).
Trại gà ở Tam Kiều là một trong 400 trang trại trên khắp Trung Quốc, thuộc dự án GoGo Chicken.
GoGo Chicken ra mắt vào tháng 6/2017, được thực hiện bởi công ty công nghệ ZhongAn Technology (ZhongAn Online P & C Insurance). Dự án này nhằm mục đích cách mạng hóa công nghiệp chăn nuôi gia cầm bằng cách đem lại minh bạch hóa thông tin sản phẩm từ trang trại ra tới bàn ăn - tất cả nhờ vào blockchain.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng blockchain đơn giản là công cụ ngụy trang giúp thúc đẩy doanh số. Các vấn đề an toàn thực phẩm cần giải quyết thông qua quy định chặt chẽ hơn.
Công nghệ đáp ứng nông nghiệp
Để bán được giá cao như thế (hơn 800.000 đồng 1 con gà), GoGo Chicken vận dụng công nghệ để giám sát từng con gà một. Chúng được đeo thiết bị theo dõi sức khỏe dưới chân, đếm số bước, đo quãng đường mà nó đi lại mỗi ngày. Ngoài ra, blockchain giúp minh bạch hóa tình trạng của gà, con nào lăn ra chết là biết ngay.
Khách hàng có nhu cầu mua "gà blockchain" có thể theo dõi hết những thông tin này qua ứng dụng trên smartphone.
Trong khi chu kỳ xuất gà của các trại nuôi công nghiệp vào khoảng 40 ngày, GoGo Chicken cho biết gà của họ có chu kỳ dài gấp 4 lần: 166 ngày tuổi mới được phép giết mổ. Người Trung Quốc quan niệm, gà càng già càng quý, thịt càng ngon.
"Gà blockchain" chủ yếu hướng đến khách hàng trung lưu, những người sẵn lòng chi mạnh cho chất lượng và sự an toàn. "Mục đích là để giải quyết sự thiếu tin cậy bằng cách cho khách hàng theo dõi gà từ trang trại ra bàn ăn...", Vương Vệ, CEO của Lianmo Technology, công ty con của ZhongAn Technology, đang thực hiện GoGo Chicken cho biết. Ông cho biết, dự án này hướng tới mở rộng quy mô lên 3000 trại gà blockchain.
ZhongAn Technology không đơn độc trong lĩnh vực này. Sau khi đại dịch cúm gia cầm năm 2013 gây thiệt hại đến 40 tỷ tệ, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát việc chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thật kinh hoàng, họ đã phải chi ra 600 triệu tệ để xử lý 40 tỷ tệ gà chết dịch và vườn chuồng liên quan đến cúm gia cầm.
Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã mạo hiểm đầu tư cho ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm, dù biết rằng tiềm năng lợi nhuận hãy còn xa lắm. JD.com, công ty thương mại điện tử đã tung ra dự án tương tự gọi là "Running Chicken" vào năm 2016; gã khổng lồ công nghệ NetEase đã nuôi lợn đen hữu cơ trong 8 năm qua...
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ giấy chứng nhận chính thức nào cho các sản phẩm hữu cơ. Có nghĩa là, chính người tiêu dùng phải tự xác minh nguồn gốc từ nhà cung cấp. Tóm lại, chủ yếu vẫn là niềm tin vào người bán hàng.
Quay trở lại trại gà ở Tam Kiều và anh nông dân Giang Tống. Gà của họ tuân thủ tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về gà hữu cơ: Chúng phải được ăn 100% thức ăn hữu cơ, được chứng nhận không có thành phần kháng sinh, ngoài ra phải được thả rông ít nhất 120 ngày trước khi xuất chuồng.
Công nghệ thay đổi thói quen tiêu dùng
Người châu Á nói chung, Trung Quốc nói riêng đã ăn thịt động vật từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, xưa kia thịt thà là thứ xa xỉ, chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt.
Qua thời gian, tiêu thụ thịt đã tăng nhanh chóng theo thu nhập trung bình. Theo USDA, tiêu thụ thịt hàng ngày của Trung Quốc (gồm gia cầm, không tính hải sản): Năm 1978: 62g thịt bình quân đầu người; sau khi Trung Quốc bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường, con số đó tăng vọt lên 250g/người... Cao hơn nhiều lần so với mức đề xuất của các chuyên gia dinh dưỡng: 40 - 75g thịt/ngày để phòng bệnh tim.
Đỉnh điểm là năm 1984, ngành chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài, dẫn đến công nghiệp hóa ồ ạt. Gà thịt màu vàng (yellow broiler) được ưa chuộng hơn cả vì lớn nhanh, trở thành yếu tố chủ chốt của ngành công nghiệp fast-food.
Tuy nhiên, cúm gia cầm và nhiều năm truyền thông nói về loại gà "ăn liền" nuôi nhốt ngắn ngày, dư lượng kháng sinh cao khiến người tiêu dùng ngày một cảnh giác.
Họ tìm kiếm sự minh bạch, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã quay lưng với việc mua gà tại những khu chợ truyền thống ẩm ướt, chưa kể nguy cơ mua phải gà chết do cúm gia cầm. Thay vào đó, những người giàu có sẵn sàng chi nhiều tiền để mua gà từ các chuỗi siêu thị nhập khẩu, hoặc lấy trực tiếp từ nông dân địa phương có uy tín.
Cụ thể, ở Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp xã hội kết nối người tiêu dùng với nông dân. Sau khi đăng ký, mỗi nông dân sẽ cung cấp rau hữu cơ, gà chăn nuôi thả vườn cho khoảng 10 hộ thành phố. Dù khá đắt nhưng rất đảm bảo, nói chung là đáng đồng tiền bát gạo.
Tuy nhiên, mô hình này đôi khi không cung cấp đủ thực phẩm cho dân thành thị, họ vẫn phải mua thêm rau, thịt nhập khẩu.
Môi trường và đạo đức
Ngày nay, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới, chiếm tới 28% lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2016 (khoảng 54 triệu tấn thịt đủ loại, theo OECD).
Đây là điều đáng lo ngại chứ không có gì đáng mừng. Việc chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp khiến khí nhà kính phát thải nhiều hơn, chưa kể vấp phải sự phản đối của người yêu động vật. Chẳng đâu xa, từ tháng 4 năm ngoái, hiệp hội người ăn chay đã phát triển ra hơn 100 trường Đại học ở Trung Quốc để phản đối giết hại động vật theo quy mô công nghiệp.
Vương Nhai, 38 tuổi, nhân viên quản lý tài chính và cũng là khách hàng thân quen của GoGo Chicken cho hay, anh không quan tâm lắm đến việc động vật bị đối xử tệ bạc hay không, nhưng tin rằng gà "đi bộ" kiểu gì cũng an toàn hơn.
"Thức ăn qua tay càng ít người thì nó càng lành", Vương nói. "Tôi không thích quá nhiều người can thiệp vào những gì mình ăn".
Đằng sau cơn sốt blockchain của ngành chăn nuôi Trung Quốc
GoGo Chicken quảng cáo chính nó như là một công ty chuyên về kết hợp công nghệ và nông nghiệp để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo; tôn trọng đạo đức trong sản xuất thực phẩm. Thế nhưng, không ít người hoài nghi vì cho rằng blockchain chỉ là mánh lới tiếp thị, luồn lách qua nhiều kẽ hở pháp lý.
Đến thời điểm hiện tại, gà sạch cho mọi nhà có lẽ vẫn là giấc mơ xa vời với người Trung Quốc. Liệu blockchain có tạo ra điều thần kỳ cho nền nông nghiệp của quốc gia tỷ dân? Chỉ thời gian mới có thể kiểm chứng.