Bài học từ chuyện hai viên gạch xấu xí
Last updated: October 17, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 04 Mar 2020 Kinh nghiệm lập dự toán chi phí dự án phần mềm theo phương pháp Man-Month
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 01 Aug 2022 20 bài học kinh nghiệm rút ra từ Tam Quốc Diễn Nghĩa
- 01 Feb 2022 Thách thức với doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời đại VUCA
- 01 Sep 2022 Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) có phải là một dạng bảo thủ?
"Tôi có thể thấy 2 viên gạch xấu xí kia, nhưng tôi còn thấy 998 viên gạch hoàn hảo ...!" - một câu chuyện trích từ sách "Ai Đổ Đống Rác Ở Đây?" của Thiền sư Ajahn Brahm.
Chuyện hai viên gạch xấu xí
Chuyện kể rằng: Ở một miền đất mới, các vị sư phải tự xây dựng lại mọi thứ. Họ mua đất, gạch, dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây bức tường với 1.000 viên gạch.
Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú làm rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng, bởi chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời. Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn xuống.
Khi đứng lui ra xa để ngắm công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có 2 viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú. Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.
Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: "Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!".
"Hai vị nói thật chứ! Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?" - chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.
"Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao" - vị sư già từ tốn.
Chú tiểu vẫn không tin, cứ ngỡ nghe lầm mà hỏi lại, nhưng sau những gì vị sư già nói, đã thay đổi toàn bộ cái nhìn của chú về bức tường, thậm chí cuộc sống.
"Tôi có thể thấy 2 viên gạch xấu xí kia, nhưng tôi còn thấy 998 viên gạch hoàn hảo ...!"
Chú tiếu rất sững sờ. Lần đầu tiên trong hơn ba tháng, chú có thể nhìn thấy những viên gạch khác. Những viên gạch xung quanh, những viên gạch hoàn hảo, so với hai viên gạch xấu ấy là những viên gạch tốt lại chiếm nhiều hơn. Trước đây, chú chỉ tập trung vào sai lầm. Chú từng muốn phá hủy bức tường ấy. Nhưng nhiều năm sau, bức tường vẫn ở đó, nhưng chú đã quên mất hai viên gạch xấu nằm ở đâu. Và chú cũng đã dần quên đi những sai lầm cho đến gặp được vị sư già.
Bạn đã biết biến bất lợi thành lợi thế... từ hiện tượng Flappy Bird?
Chắc hẳn các bạn còn nhớ trò chơi Flappy Bird nổi đình nổi đám của lập trình viên Nguyễn Hà Đông. Xuất phát từ một phiên bản game đầy lỗi và tác giả làm ra phần mềm xuất phát từ đam mê hơn là thương mại hóa. Game này có một điểm yếu nữa là các cửa chơi đầu tiên lại khó hơn các cửa tiếp theo (nguyên tắc của bất kỳ game nào là cứ qua một cửa thì độ khó sẽ tăng lên). Đây chính là 2 viên gạch méo mó nhưng lại làm nên tên tuổi của Flappy Bird.
Đến câu chuyện tháp PISA nghiêng trở thành biểu tượng của nước Ý
Tháp Pisa (chưa nghiêng) là một trong những công trình được xây nên từ thế kỷ 12! Khi xây đến tầng thứ hai, tháp bắt đầu có dấu hiệu lún. Không thể đập bỏ xây lại, lúc này những người thợ phải thiết kế các cột ở mạn Nam ngọn tháp cao hơn so với mạn Bắc để tháp trông có vẻ cân bằng.
Điều thú vị là tháp nghiêng Pisa không phải nghỉ nghiêng hẳn về một phía, mà nó liên tục nghiêng về nhiều phía khác nhau.
Sau khi được tái khởi công vào thế kỷ 13, các kiến trúc sư tìm cách để khiến tháp quay trở lại vị trí cân bằng. Tuy nhiên mọi nỗ lực của họ chỉ khiến tháp tiếp tục… nghiêng về một hướng khác so với bạn đầu!
Ngày nay, tháp nghiêng Pisa là một trong những công trình kiến trúc gây ấn tượng nhất thế giới và thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
Sai lầm cũng có thể là thứ cần thiết cho một thành tựu đáng giá - Henry Ford
Bao người sai lầm, kết thúc mối quan hệ, hay thậm chí tự ti về bản thân, chỉ vì tất cả những gì họ thấy là "hai viên gạch xấu"?
Dân gian có câu:
"Bao năm xây chùa không ai biết. Một viên gạch vỡ cả làng hay!".
Đôi khi chúng ta đã vội kết luận một ai đó chỉ vì dựa trên một hai lỗi lầm nào đó mà không đánh giá toàn bộ công lao (998 viên gạch) từ trước đến nay, sẽ dẫn đến kết quả tệ hại, có thể mất đi một nhân tài hoặc phá hủy thành tựu của cả một tập thể. Hai viên gạch vỡ cũng giống như 1 vệt dầu loang không vì thế làm ô nhiễm cả đại dương mênh mông.
Ai cũng có những viên gạch xấu của bản thân, hãy để những khiếm khuyết ấy trở thành "điểm độc đáo". Bởi vì, những viên gạch hoàn hảo trong mỗi người vẫn tồn tại. Một khi chúng ta thấy được, mọi thứ sẽ không quá tệ - miễn là bạn ngừng chăm chú vào chúng.
Kết...
Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà mình đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là hai viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.
Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.
Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.
Sưu tầm
Đọc thêm: Ngôi Chùa Trăm Năm và Viên Gạch Vỡ: Bài Học Thấm Thía Về Lỗi Nhỏ Trong Bức Tranh Lớn