Bài học tai hại cần quên – the lesson to unlearn
Last updated: September 01, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 18 Jul 2020 Lợi ích cận biên (Marginal Utility) là gì? Qui luật lợi ích cận biên giảm dần
- 01 Sep 2022 Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) có phải là một dạng bảo thủ?
- 09 Aug 2022 Hiệu ứng “rắn hổ mang” (Cobra effect): Khi giải pháp trở thành vấn đề, tưởng vui lại hóa xui
- 04 Sep 2020 IQ, EQ hay LQ quan trọng nhất trong thời đại 4.0?
Dịch từ nguồn tiếng Anh: The Lesson to Unlearn của tác giả Paul Graham.
Bài viết này của Paul Graham nói đúng và rất sâu những điều mà tôi cũng cảm thấy ngày một rõ. Quả thật tôi và rất nhiều người tôi biết đã mắc phải căn bệnh này, và nhiều người không nhận ra.
Thứ tai hại nhất mà bạn học được ở trường không phải là môn nào đó, mà là thói quen học để đạt điểm cao.
Đọc thêm: Định luật Goodhart và định luật Campbell - Nghịch lý về thành tích
Hiện tượng học để được điểm cao
Khi tôi học đại học, một sinh viên rất nghiêm túc ngành triết đã nói với tôi rằng anh ta không bao giờ quan tâm mình được bao nhiêu điểm, mà chỉ quan tâm mình học được gì. Điều này in đậm trong tâm trí tôi bởi vì đó là lần duy nhất tôi nghe thấy ai đó nói vậy.
Đối với tôi, cũng như hầu hết sinh viên, việc đánh giá (đo) những gì tôi đã học hoàn toàn chi phối bản thân việc học. Tôi khá nghiêm túc, tôi thực sự quan tâm đến hầu hết các môn đã học, và chăm chỉ. Thế nhưng, tôi chăm chỉ nhất khi học để thi.
Về lý thuyết, các bài test chỉ đơn thuần như tên gọi: kiểm tra những gì bạn đã học. Về lý thuyết, chuẩn bị cho bài test môn học cũng như chuẩn bị cho xét nghiệm máu, tức là không cần chuẩn bị đặc biệt gì. Về lý thuyết, bạn học bằng cách đến lớp, nghe giảng và làm bài tập, và bài test sau đó chỉ đơn thuần là đánh giá (đo) bạn đã học tốt thế nào.
Trong thực tế thì sao? Trong thực tế thì giống như ta đang nói về một từ đã bị thay đổi ý nghĩa. Bây giờ, cụm từ “học để thi” gần như là thừa, bởi vì học là để thi chứ còn gì nữa, chuẩn bị cho thi là lúc người ta thực sự học. Sự khác biệt giữa sinh viên siêng năng và lười biếng là: bọn siêng học chăm chỉ cho các bài test, còn bọn lười thì không. Chẳng có ai học ngày học đêm ở đầu học kỳ.
Mặc dù là một sinh viên siêng năng, hầu như tất cả những gì tôi làm ở trường đều nhằm đạt điểm cao cho môn gì đó.
Đối với nhiều người, có vẻ lạ khi câu trên có chữ “mặc dù”. Liệu tôi nói thừa? Một sinh viên siêng năng, toàn điểm A thì hiển nhiên phải thế chứ? Sự thắc mắc này cho thấy rằng, việc học và điểm số đã hòa vào nhau và trở thành văn hóa của chúng ta (và nằm ở mức ngầm định – ND).
Test không phản ánh việc học (learning)
Có tệ lắm không, khi việc học bị gắn liền với điểm số? Vâng, rất tệ. Và phải đến hàng chục năm sau khi tốt nghiệp, tôi mới nhận ra nó tệ đến mức nào.
Tất nhiên khi còn là sinh viên, tôi biết việc học để test khác xa với việc học thực sự. Ít nhất, bạn không lưu lại kiến thức mà bạn nhồi nhét vào đầu đêm trước khi thi. Nhưng vấn đề còn tệ hơn. Vấn đề thực sự là, hầu hết các test không có khả năng đánh giá (đo) những gì mà lẽ ra chúng phải đo.
Nếu các bài test thực sự là kiểm tra những gì học được, mọi thứ sẽ không tệ như vậy. Đạt được điểm cao và học tập thực sự sẽ hội tụ, chỉ là sớm hay muộn. Vấn đề là gần như tất cả các bài test cho sinh viên đều có thể bị hack dễ dàng. Hầu hết những người đạt điểm cao đều biết điều này, và biết rõ đến mức thậm chí không còn thắc mắc nữa, vì sẽ tỏ ra khờ khạo.
Giả sử bạn học về lịch sử trung cổ và sắp thi cuối kỳ. Bài test cuối kỳ được coi là bài kiểm tra kiến thức của bạn về lịch sử trung cổ, phải không? Vì vậy, nếu có vài ngày từ giờ đến kỳ thi, và nếu bạn muốn thi tốt, thì cách tốt nhất là dành thời gian để đọc những cuốn sách hay nhất bạn có thể tìm thấy về lịch sử trung cổ. Bạn sẽ biết rất nhiều và sẽ thi tốt.
Nhưng mà không! Nếu chỉ đọc những cuốn sách hay về lịch sử trung cổ, thì hầu hết những thứ bạn học được sẽ không có trong bài test. Thứ quan trọng không phải những cuốn sách hay, mà là bài giảng được chép và những gì thầy bảo đọc. Thậm chí hầu hết những thứ đó cũng có thể bỏ qua, bởi vì bạn chỉ phải quan tâm những gì có thể nằm trong câu hỏi. Như vậy, bạn đang tìm kiếm những thông tin đã được khoanh vùng rõ ràng (chứ không phải học lịch sử – ND). Bạn có thể bỏ qua một số kiến thức vì nó không phải là thứ có thể biến thành câu hỏi. Nhưng nếu giáo sư giảng rằng có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến Ly giáo năm 1378, thì bạn nên thuộc chúng. Thực tế lịch sử có đúng vậy không không quan trọng. Quan trọng là được điểm cao môn này.
Ở đại học, các bài test cũ thường được truyền tay nhau, và chúng sẽ còn giúp bạn rút gọn hơn nữa những gì cần học (ôn). Cùng với việc tìm hiểu xem giáo sư hay hỏi gì, thường bạn sẽ tìm được các câu hỏi thi thực tế. Nhiều giáo sư sử dụng lại chúng. Khi dạy một môn cả 10 năm, thật khó để không dùng lại, chí ít là vô tình.
Một số giáo sư còn có quan điểm chính trị muốn áp đặt, và bạn phải lưu ý. Các môn toán hoặc khoa học kỹ thuật thì không cần, nhưng có những môn xã hội mà bạn không thể đạt điểm cao nếu không theo ý thầy.
Đạt điểm tốt một môn học X khác với việc học rất nhiều về X, thế nên bạn phải chọn cái này hay cái kia, và không thể trách sinh viên nếu họ chọn điểm. Họ được thiên hạ đánh giá qua điểm số – nhà trường, nhà tuyển dụng, xét học bổng, thậm chí cả cha mẹ.
Tôi thích học, và tôi thực sự hài lòng với một số bài báo và chương trình tôi đã viết ở trường. Nhưng liệu đã bao giờ, sau khi nộp xong bài tập, ngồi xuống và viết một bài khác chỉ cho vui? Dĩ nhiên là không. Tôi còn phải lo các môn khác. Nếu phải chọn học tập hay điểm số, tôi đã chọn điểm số. Tôi không vào đại học để được điểm kém.
Bất cứ ai quan tâm đến việc đạt điểm cao đều phải chơi trò này, nếu không họ sẽ bị vượt qua bởi những người làm được. Và tại các đại học danh giá, thì hầu hết tất cả đều chơi, vì nếu ai đó không quan tâm đến việc đạt điểm cao có lẽ đã không vào ngay từ đầu. Kết quả là, sinh viên cạnh tranh nhau để tối đa hóa sự khác biệt giữa việc học và đạt điểm cao.
Tại sao các bài test lại tệ?
Tại sao các bài test lại tệ như vậy? Hay chính xác hơn, tại sao chúng dễ hack (hackable) đến vậy? Bất kỳ lập trình viên có kinh nghiệm nào cũng có thể trả lời. Nếu có một phần mềm mà tác giả không quan tâm đến việc ngăn chặn hack, thì nó sẽ dễ bị hack vô cùng.
Mặc định là, bài test nào do cơ quan có thẩm quyền áp đặt đều dễ hack. Lý do khiến các bài test mà người ta bắt bạn làm thường xuyên có chất lượng tệ (thường xuyên không đánh giá (đo) những gì đáng lẽ phải đo) đơn giản là: những người tạo ra chúng đã không nỗ lực nhiều để ngăn hack.
Nhưng bạn không thể đổ lỗi cho giáo viên nếu bài test của họ dễ hack. Việc của họ là giảng dạy, không phải là tạo ra các bài test khó hack. Vấn đề thực sự là điểm số, hay chính xác hơn, vấn đề là điểm số đã bị lạm dụng. Nếu điểm số chỉ đơn thuần là một cách để thầy cho trò biết họ đang làm gì đúng và sai, giống như huấn luyện viên đưa ra lời khuyên cho vận động viên, thì sinh viên sẽ không bị cám dỗ để hack các bài test. Nhưng thật không may, sau một độ tuổi nhất định, điểm số biến thành gì đó to hơn lời khuyên. Sau một độ tuổi nhất định, bất cứ khi nào bạn được dạy, bạn cũng thường bị đánh giá (judge).
Tôi lấy các bài test ở đại học làm ví dụ, nhưng thật ra đó là những bài ít bị hack nhất. Tất cả các bài test mà hầu hết sinh viên làm trong cả cuộc đời đều tệ ngang hoặc hơn thế, dễ thấy nhất là bài test vào đại học. Nếu việc vào đại học chỉ đơn thuần là bài toán đo trí tuệ của một người bởi bộ phận tuyển sinh, giống như cách các nhà khoa học đo khối lượng của một vật thể, thì chúng ta có thể nói với tụi teen rằng “hãy học rất nhiều”, và thế là đủ. Trên thực tế, những thứ kỳ quặc mà tụi trẻ có chí phải làm ở trường trung học tỷ lệ thuận với khả năng bị hack của kỳ tuyển sinh đại học. Đó là các môn mà bạn chẳng hề quan tâm và chủ yếu phải học thuộc lòng, các “hoạt động ngoại khóa” ngẫu nhiên phải tham gia để thể hiện mình “toàn diện”, các bài test tiêu chuẩn cần mưu mẹo như cờ vua, “bài luận” phải viết để đánh trúng một cái đích cụ thể nào đó, nhưng bạn lại không được biết đó là đích gì.
Ngoài thứ tệ hại gây ra cho trẻ em, bài test này cũng tệ theo nghĩa rất dễ bị hack. Dễ hack đến mức đã phát triển cả một ngành công nghiệp để hack nó. Đó là mục đích rõ ràng của các tổ chức luyện thi và cố vấn tuyển sinh, đồng thời cũng là một chức năng quan trọng của các trường tư.
Tại sao cái test này lại dễ hack đến thế? Tôi nghĩ, là vì những gì nó đánh giá (đo). Mặc dù, người ta hay nói cách để vào một trường đại học tốt là phải thực sự thông minh, nhưng các nhân viên tuyển sinh tại các trường danh giá không chỉ tìm kiếm điều đó, và họ cũng thừa nhận vậy. Thế họ tìm gì? Họ tìm những người không chỉ thông minh mà còn đáng ngưỡng mộ theo nghĩa chung hơn. Và mức độ đáng ngưỡng mộ chung này được đo thế nào? Bằng cảm quan của các cán bộ tuyển sinh. Nói cách khác, họ chọn những người họ thích (hiện tượng thăng tiến ở các tổ chức lớn, các cơ quan công quyền cũng tương tự – ND).
Vì vậy, tuyển sinh đại học là một bài test xem bạn có phù hợp với khẩu vị của một số người hay không. Tất nhiên, một bài test như vậy sẽ dễ bị hack. Và, bởi vì nó vừa dễ bị hack lại vừa (được cho là) rất có giá, nên người ta hack nó điên cuồng. Đó là lý do tại sao nó bóp méo đời bạn rất nhiều và rất lâu.
Không ngạc nhiên khi học sinh trung học thường cảm thấy mọi thứ thật xa lạ. Bởi vì cuộc sống của chúng hoàn toàn nhân tạo, phi tự nhiên.
Thói quen chiến thắng bằng cách hack
Nhưng, lãng phí thời gian không phải là điều tệ nhất mà hệ thống giáo dục gây ra cho bạn. Điều tệ nhất là nó dạy bạn rằng, cách để chiến thắng là hack các bài test tồi. Đây là chuyện phức tạp hơn nhiều, và tôi đã chỉ nhận ra khi thấy nó xảy ra với người khác.
Khi tôi bắt đầu tư vấn ở Y Combinator cho những người khởi nghiệp, đặc biệt là những người trẻ, tôi đã rất bối rối bởi dường như họ luôn làm cho mọi thứ trở nên phức tạp. Họ hỏi, làm thế nào để huy động vốn? Bí quyết để khiến các nhà đầu tư mạo hiểm muốn đầu tư vào bạn là gì? Tôi giải thích rằng, cách tốt nhất để khiến các VC muốn đầu tư vào bạn là thực sự biến mình thành một khoản đầu tư tốt. Ngay cả khi bạn có thể lừa các VC đầu tư vào một khởi nghiệp tồi, bạn cũng đang lừa chính mình. Bởi lẽ bạn cũng đang đầu tư thời gian vào chính công ty mà bạn đang yêu cầu họ đầu tư tiền vào. Nếu đó không phải là một khoản đầu tư tốt, tại sao bạn lại làm thế?
À ra thế – họ sẽ nói – và sau mấy phút im lặng để tiêu hóa sự khai sáng này, họ sẽ hỏi: thế điều gì khiến một công ty khởi nghiệp trở thành một khoản đầu tư tốt?
Và rồi, tôi giải thích rằng điều khiến một công ty khởi nghiệp hứa hẹn, không chỉ trong mắt các nhà đầu tư mà trên thực tế, là tăng trưởng. Lý tưởng nhất là tăng doanh thu, nếu không thì chỉ số sử dụng. Cần có nhiều người dùng.
Làm thế nào để có nhiều user? Họ có rất nhiều ý tưởng về điều đó. Phải thực hiện một đợt ra mắt lớn để công chúng biết đến họ. Những người nổi tiếng nói về họ. Họ thậm chí biết rằng cần phải ra mắt vào một ngày thứ ba, bởi vì đó là lúc dễ thu hút sự chú ý nhất.
Không, tôi sẽ giải thích, đó không phải là cách để có được nhiều user. Cách để có nhiều user là làm cho sản phẩm thực sự tuyệt vời. Sau đó, mọi người sẽ không chỉ sử dụng nó mà còn giới thiệu cho bạn bè, vì vậy sự phát triển của bạn sẽ theo cấp số mũ khi bạn bắt đầu.
Tại thời điểm này, tôi nói với những người sáng lập một điều mà bạn sẽ cho là hiển nhiên: rằng họ nên tạo ra một công ty tốt bằng cách tạo ra một sản phẩm tốt. Ấy thế mà, phản ứng của họ giống như phản ứng của nhiều nhà vật lý khi lần đầu tiên nghe về thuyết tương đối: pha trộn giữa sự kinh ngạc trước tính thiên tài rõ ràng của nó, và sự nghi ngờ rằng những thứ lạ lùng như vậy thì không thể đúng. Họ vâng dạ rồi nói, thế anh có thể giới thiệu cho chúng tôi một người nổi tiếng này nọ không? Và xin nhớ, chúng tôi muốn ra mắt vào thứ ba.
Đôi khi các nhà sáng lập phải mất nhiều năm để nắm được những bài học đơn giản này. Và không phải vì họ lười biếng hay ngu ngốc. Họ dường như mù với những gì ở ngay trước mắt.
Tại sao – tôi tự hỏi – họ luôn làm cho mọi thứ trở nên phức tạp như vậy? Và rồi một ngày tôi nhận ra đây không phải là một câu hỏi tu từ.
Tại sao những người sáng lập lại tự trói mình với những điều sai trái khi câu trả lời ở ngay trước mặt họ? Bởi vì đó là những gì họ đã được dạy. Nền giáo dục đã dạy họ rằng cách giành chiến thắng là hack bài test. Và thậm chí không cần nói với họ rằng họ đã được dạy để làm điều này. Những người trẻ hơn, những sinh viên mới tốt nghiệp, chưa bao giờ phải đối mặt với một bài test phi nhân tạo. Họ nghĩ rằng đấy là cách để thành công: rằng điều đầu tiên bạn làm, khi đối mặt với bất kỳ loại thử thách nào, là tìm ra mánh khóe để hack bài test. Đó là lý do tại sao cuộc trò chuyện sẽ luôn bắt đầu bằng chuyện gọi vốn, bởi vì điều đó được xem như một bài test. Nó đến vào thời điểm cuối. Nó lại gắn với các con số, và dường như số càng to càng tốt. Đích thị là test chứ còn gì!
Chắc chắn có nhiều thứ trên đời có thể giành chiến thắng bằng cách hack bài test. Không chỉ giới hạn ở các trường học. Và một số người, do ý thức hoặc do thiếu hiểu biết, tuyên bố rằng điều này cũng đúng với khởi nghiệp. Nhưng không phải thế. Trên thực tế, điều nổi bật nhất của các khởi nghiệp là sự liên hệ trực tiếp giữa chiến thắng và làm tốt công việc. Có những ngoại lệ, đâu chả thế, nhưng nhìn chung bạn giành chiến thắng bằng cách thu hút user, và điều user quan tâm là sản phẩm có làm được thứ họ muốn hay không.
Sao tôi phải mất quá nhiều thời gian để hiểu, tại sao những người sáng lập phức tạp hóa các công ty khởi nghiệp? Bởi vì tôi đã không nhận thức rõ ràng rằng trường học dạy ta chiến thắng bằng cách hack những bài test tồi. Và không chỉ dạy họ, mà dạy cả tôi! Tôi cũng đã được dạy để hack các bài test tồi, và đã không nhận ra điều đó cho đến hàng chục năm sau.
Tôi đã sống như thể đã nhận ra điều đó, không biết vì sao. Ví dụ, tôi đã tránh làm việc cho các công ty lớn. Nhưng nếu được hỏi tại sao, chắc tôi đã trả lời là vì họ giả dối (bogus), hoặc quan liêu. Hoặc chỉ nhăn mặt. Tôi chưa bao giờ hiểu, bao nhiêu phần trăm chán ghét của tôi đối với các công ty lớn là do cái trò chiến thắng bằng cách hack các bài test tồi.
Tương tự, thực tế là các bài test không thể hack chính là điều đã hút tôi đến với các công ty khởi nghiệp. Nhưng một lần nữa, tôi đã không nhận ra điều đó một cách rõ ràng.
Vậy là tôi đã dần tiệm cận đến một thứ mà lẽ ra chắc có thể tính bằng một công thức. Tôi đã dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của thói quen hack các bài test tồi mà mình đã được dạy, mà không ý thức được. Liệu có bạn trẻ nào đó sắp tốt nghiệp có thể tống khứ con quỷ này chỉ bằng cách biết tên nó và gọi ra, đuổi đi? Có lẽ đáng để thử.
Nội việc vạch mặt chỉ tên hiện tượng này cũng có thể làm cho mọi thứ tốt hơn, bởi vì phần lớn sức mạnh của nó đến từ việc chúng ta coi nó là hiển nhiên. Sau khi bạn nhận ra nó, có vẻ nó là con voi trong phòng, nhưng là con voi được ngụy trang tốt. Hiện tượng này quá cũ, và quá phổ biến. Và nó chỉ đơn giản là kết quả của sự lơ là. Không ai muốn mọi thứ diễn ra như vậy. Đây chỉ là những gì xảy ra khi bạn kết hợp việc học với điểm số, sự cạnh tranh, và giả định ngây thơ về việc không thể hack.
Thật kinh ngạc khi nhận ra rằng, hai trong số những điều khó hiểu nhất với tôi – sự giả dối (bogusness) ở trường trung học và khó khăn trong việc khiến các nhà sáng lập nhìn thấy điều hiển nhiên – cả hai đều có cùng một nguyên nhân. Hiếm khi vấn đề lớn lại mất nhiều thời gian để ngộ ra như vậy.
Thông thường, khi ta ngộ ra gì đó, nó có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và trường hợp này không là ngoại lệ. Ví dụ, nó gợi ý rằng giáo dục có thể được thực hiện tốt hơn, và bản thân bạn cũng có thể tự sửa. Và nó cũng gợi ý một câu trả lời tiềm năng cho câu hỏi chung của tất cả các công ty lớn: làm thế nào để giống một công ty khởi nghiệp hơn? Ở đây tôi sẽ không theo đuổi tất cả những hướng đó. Điều tôi muốn tập trung ở đây là ý nghĩa của nó đối với các cá nhân.
Nhận ra các việc có test tồi
Để tôi giải thích. Như vậy, hầu hết những đứa trẻ đầy tham vọng tốt nghiệp đại học đều có thứ gì đó mà chúng có thể muốn quên (unlearn). Và nó cũng thay đổi cách bạn nhìn thế giới. Thay vì đánh giá các loại công việc khác nhau một cách lờ mờ kiểu hấp dẫn hay không, giờ đây bạn có thể phân loại chúng một cách thú vị bằng cách hỏi câu hỏi cụ thể sau: Với loại công việc này, liệu khả năng bạn thắng bằng cách hack các bài test dở là ít hay nhiều?
Nếu bạn tự hỏi thế, thì sẽ cần một cách để nhanh chóng nhận ra các bài test dở. Chúng có dấu hiệu gì chung không? Có.
Các test có thể được chia thành hai loại: do cơ quan có thẩm quyền áp đặt và không. Các bài test không do cơ quan thẩm quyền áp đặt vốn dĩ không thể hack được, hiểu theo nghĩa là không ai tuyên bố rằng họ đang kiểm tra bất cứ thứ gì lớn hơn so với bài test thực tế. Ví dụ, một trận đá bóng đơn giản là một bài test xem ai thắng, chứ không phải đội nào giỏi hơn (giỏi hơn vẫn có thể thua – ND). Bạn có thể phân biệt được điều đó với việc các bình luận viên đôi khi nói sau trận bóng rằng đội giỏi hơn đã thắng. Ngược lại, các test do cơ quan thẩm quyền áp đặt thường chỉ là đại diện (proxy) cho một thứ khác. Ví dụ, một bài test môn học không chỉ đánh giá mức độ bạn làm được trong bài test cụ thể đó, mà còn đánh giá bạn đã học môn học thế nào (bài test là proxy cho tri thức đã học được – ND). Trong khi các bài test không do cơ quan thẩm quyền áp đặt nghiễm nhiên là không thể hack, thì những bài test do cơ quan thẩm quyền áp đặt phải được thiết kế để không hack được. Nhưng thường thì không phải vậy. Vì vậy, có thể khẳng định khá chính xác: các bài test tồi chính là các bài test do cơ quan thẩm quyền áp đặt.
Có thể, bạn thực sự muốn thắng bằng cách hack các bài test tồi. Nhiều người làm thế. Nhưng tôi cá rằng hầu hết những người nhận ra mình đang làm kiểu việc này đều không thích nó. Họ chỉ cho rằng hiển nhiên đây là cách tiến thân, trừ khi muốn bỏ học và trở thành thợ tự do.
Không cần phải thắng bằng cách hack các bài test tồi
Tôi ngờ rằng, nhiều người mặc nhiên cho rằng làm việc trong một lĩnh vực với những test tồi là cái giá phải trả nếu muốn kiếm nhiều tiền. Nhưng theo tôi, điều đó là sai. Nó đã từng là sự thật. Vào giữa thế kỷ 20, khi nền kinh tế bao gồm các nhà tài phiệt, cách duy nhất để vươn tới đỉnh cao là chơi trò chơi của họ. Nhưng giờ nó không đúng nữa. Hiện nay có nhiều cách để làm giàu bằng cách làm việc cho tốt, và đó là một phần lý do tại sao bây giờ mọi người hào hứng với việc làm giàu hơn trước đây. Cái thời tôi là một đứa trẻ, thì bạn phải chọn giữa việc trở thành một kỹ sư và làm ra những thứ hay ho, hay trở thành một “giám đốc điều hành” để kiếm thật nhiều tiền. Bây giờ, bạn có thể kiếm nhiều tiền bằng cách làm những thứ hay ho.
Việc hack các bài test tồi đang trở nên ít quan trọng hơn khi mối liên hệ giữa công việc và quyền hạn bị xói mòn. Sự xói mòn của liên kết đó là một trong những xu hướng quan trọng nhất đang xảy ra hiện nay, và ta thấy tác động của nó trong hầu hết mọi loại công việc trên đời. Các công ty khởi nghiệp là một trong những ví dụ dễ thấy nhất, nhưng ta thấy điều tương tự trong viết văn. Các nhà văn không còn phải qua nhà xuất bản và biên tập để đến tay độc giả; bây giờ họ có thể đến trực tiếp.
Càng nghĩ về câu hỏi này, tôi càng thấy lạc quan. Đây dường như là một trong những tình huống mà ta không nhận ra rằng có thứ gì đó đã kìm hãm ta cho đến khi nó bị loại bỏ. Và tôi có thể thấy trước sự sụp đổ của pháo đài giả dối (bogus) khổng lồ này. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi ngày càng nhiều người bắt đầu tự hỏi bản thân liệu họ có muốn thắng bằng cách hack các bài test tồi, và quyết định rằng không. Loại việc có thể thắng bằng cách hack các bài test tồi sẽ bị thiếu hụt người tài, còn loại việc mà người ta thắng bằng cách làm tốt sẽ đón nhận dòng người xuất sắc nhất. Và khi việc hack các bài test dở không còn quan trọng nữa, thì giáo dục sẽ thôi không dạy ta làm điều đó nữa. Hãy tưởng tượng, thế giới sẽ ra sao nếu điều đó xảy ra.
Đây không chỉ là bài học mà các cá nhân cần quên (unlearn), mà là bài học mà xã hội cần quên, và chúng ta sẽ kinh ngạc về nguồn năng lượng được giải phóng ra khi đó.
Ghi chú
[1] Sử dụng các bài test chỉ để đo việc học (mà không dùng để cho điểm) nghe có vẻ không tưởng, nhưng trường Lambda đã làm đúng như vậy. Họ không cho điểm. Hoặc bạn tốt nghiệp, hoặc không. Mục đích duy nhất của các bài test là để quyết định, liệu bạn có thể tiếp tục sang giai đoạn học tiếp theo hay không. Do đó, đánh giá chung chỉ là đạt / không đạt.
[2] Nếu bài thi cuối kỳ là một cuộc trò chuyện dài với giáo sư, thì bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị bằng cách đọc những cuốn sách hay về lịch sử trung cổ. Khả năng các bài test bị hack trong trường học nhiều phần là do cùng một bài được giao cho số lượng lớn sinh viên.
[3] Học tập là một thuật toán ngây thơ (naïve algorithm) để đạt điểm cao.
[4] Từ hack có nhiều nghĩa. Trong đó có một nghĩa hẹp: thỏa hiệp một cái gì đó. Việc người ta hack bài test tồi là theo nghĩa này. Nhưng có một nghĩa khác, tổng quát hơn, là tìm ra một giải pháp đáng ngạc nhiên cho một vấn đề, thường là bằng cách suy nghĩ khác về nó. Hacking theo nghĩa này là một điều tuyệt vời. Và quả thực, một số thủ thuật hack mà người ta làm với các bài test tồi rất hay, rất ấn tượng; vấn đề không phải là bản thân việc hack, mà là, một khi các bài test có thể hack, chúng sẽ không kiểm tra được cái mà chúng cần kiểm tra.
[5] Những người xét chọn công ty khởi nghiệp tại Y Combinator giống như cán bộ tuyển sinh, ngoại trừ việc thay vì tùy tiện, các tiêu chí tuyển chọn của họ được tinh luyện bằng vòng phản hồi (feedback loop) chặt chẽ. Nếu bạn lựa chọn một công ty khởi nghiệp tồi hoặc từ chối một công ty khởi nghiệp tốt, bạn thường sẽ nhận ra chậm nhất là sau một hoặc hai năm, và thường là trong vòng một tháng.
[6] Tôi chắc rằng các cán bộ tuyển sinh cảm thấy mệt mỏi khi đọc đơn của những đứa trẻ dường như chẳng có cá tính gì ngoài việc sẵn lòng tỏ ra bất cứ kiểu gì miễn là sẽ được nhận. Điều họ không nhận ra là, theo một nghĩa nào đó, thì họ đang soi gương. Việc người nộp đơn không chân thành phản ánh tính tùy tiện của quá trình xử lý đơn. Kiểu như một tay độc tài phàn nàn về sự thiếu chân thành của những người xung quanh.
[7] Làm việc tốt ở đây không có nghĩa là tốt về mặt đạo đức, mà là tốt theo nghĩa một người thợ giỏi làm tốt công việc.
[8] Có những trường hợp biên mà rất khó để nói bài test thuộc thể loại nào trong 2 loại kể trên. Ví dụ: huy động vốn đầu tư mạo hiểm thì giống tuyển sinh đại học hay giống bán hàng?
[9] Lưu ý rằng một bài test tốt chỉ đơn thuần là một bài test không thể hack. Tốt ở đây không có nghĩa là tốt về mặt đạo đức, mà tốt ở nghĩa là làm việc hiệu quả. Sự khác biệt giữa loại việc có test dở và tốt không phải là loại trước là dở và loại việc sau là tốt, mà là loại trước giả dối (bogus) và loại sau thì không. Nhưng, thật ra cũng có sự liên quan. Như Tara Plowman nói, con đường từ tốt đến xấu đi qua giả dối.
[10] Những người cho rằng sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo gần đây là do những thay đổi trong chính sách thuế tỏ ra rất ngây thơ đối với bất kỳ ai có kinh nghiệm khởi nghiệp. Nhiều người hiện đang trở nên giàu có hơn xưa và họ đang giàu có hơn nhiều so với mức tiết kiệm thuế đơn thuần có thể tạo ra.
[11] Lưu ý với các cha mẹ hổ: bạn có thể nghĩ rằng bạn đang huấn luyện con mình chiến thắng, nhưng nếu bạn đang huấn luyện chúng chiến thắng bằng cách hack các bài test tồi, thì bạn đang làm việc mà các bậc cha mẹ thường làm, là huấn luyện chúng một thứ đã lỗi thời.
Dịch từ nguồn tiếng Anh: The Lesson to Unlearn
Dịch bởi: Phạm Phương Đạt