Từ chuyện người ăn xin và chiếc cần câu cá, điều gì là quan trọng nhất: Kiến thức, kỹ năng hay thái độ với cuộc sống
Last updated: October 01, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 04 Aug 2021 Đừng sợ đi chậm, chỉ sợ đứng yên
- 04 Sep 2021 Tào lao là gì? Các bí quyết để tránh tào lao trong giao tiếp
- 28 Apr 2023 Mô hình Why, How, What là gì?
- 07 Aug 2024 Kỷ nguyên VUCA và TUNA – Cơ hội phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ nhờ cuộc cách mạng 4.0
Chuyện kể rằng ở làng chài nọ, có một thanh niên chuyên nghề đi câu cá để kiếm sống, trên đường về gặp một người ăn xin đang nằm đói rét, chìa tay xin ăn ở bên vệ đường. Anh thanh niên thương tình nên đã bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin đã nướng ăn và thoát được cơn đói. Anh thanh niên về rất vui, gặp anh bạn hàng xóm kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện. Anh bạn hàng xóm lắc đầu bảo rằng anh làm như vậy là chưa chắc đã tốt.
Anh hàng xóm nói : “Không thể chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ.”.
Đừng cho cá, hãy cho cần câu
Ngày hôm sau anh thanh niên rủ anh bạn hàng xóm cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm kia nói, hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm cho người ăn xin chiếc cần câu. Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện trên cho anh hàng xóm này nghe.
Anh hàng xóm này lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho người ăn xin cần câu rồi nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị đói.”.
Ngày hôm sau cả ba người cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, ba người gặp lại người ăn xin đang nằm còng queo, quắp chiếc cần câu lả bên vệ đường. anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm sửa lại cần câu, anh bạn hàng xóm mới giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá….Thế rồi cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc rằng từ nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa.
Cho cá, cần câu, và cả kỹ năng câu cá vẫn là chưa đủ
Khi ba người về gặp ông lão ngư trong làng – một người từng trải, đầy kinh nghiệm, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đi câu, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện về người ăn xin.
Lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nói rằng: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng lão nghĩ chưa đủ. Lão chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn. Các cậu chỉ cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, tôi tin người ăn xin này vẫn đói!”.
"Các cậu biết tại sao không?" - Lão ngư hỏi.
Ba thanh niên ngơ ngác nhìn nhau, mong lão ngư giải thích giùm.
Lão ngư nói:
- Thứ nhất, người ăn xin làm nghề này đã nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, và đó là thói quen của ông ta, trong đầu ông không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo cho mình, mỗi ngày mới đến trong đầu ông ta chỉ có khái niệm xin, chờ bố thí, chờ ban phát... mà thôi, vì vậy trước tiên các con cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ về quan niệm sống bằng cách tin vào nhân quả, tin rằng chính mình quyết định cuộc đời mình.
- Thứ hai, như các con đã biết không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi… có khi cả ngày không được con nào cả. Bài học thứ hai ông ta phải học đó là phải kiên trì, bền bỉ để đạt được mục đích của mình.
- Thứ ba, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, nó giải thích tại sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin mù quáng của ông ta vào số phận của mình.
"Các con có biết ông ta trả lời sao?" Ông ta nói: “Ông giỏi tôi không theo ông được, tôi sinh ra đã mang phận ăn xin rồi, cha mẹ tôi ngày trước cũng làm nghề này, số tôi khổ sẵn rồi, tôi không làm được cái gì nên hồn cả, nên phải chấp nhận số phận đã an bài thôi.”.
Các con nghĩ sao? Cái người ăn xin này thiếu không phải là công cụ, kỹ năng hay phương pháp mà ông ta thiếu là một thái độ sống đúng đắn!
Cả ba nghi ngờ chưa thực sự tin lời của lão ngư, nhưng để kiểm tra, mấy ngày sau ba thanh niên cùng rủ lão ngư đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà, cả bốn người gặp người ăn xin ngày nọ trở về với nghề cũ của mình. Ba thanh niên nài nỉ lão ngư chỉ cho người ăn xin thái độ sống đúng. Lão ngư ngần ngại: “Thái độ sống phải được rèn luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, và phải tự thân rèn luyện mà thành. Không thể ngày một ngày hai mà có được.… Ngoài các kỹ năng học ở nhà trường và sự thông minh sẵn có, mỗi người cũng cần 'hành đạo' để có thái độ sống đúng đắn, có niềm tin đúng đắn và lạc quan vào tương lai.”.
Thái độ hơn trình độ (biết - hiểu - hành)
Biết (aware), hiểu (understand) và hành (practice) là kiềng 3 chân giúp sự nghiệp của bạn thăng hoa. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ. Chúng ta còn thiếu một "thái độ chân thành" để vận hành kiềng 3 chân đó. Thái độ được xem như là một "cảnh giới" của người thành công.
Theo UNESCO ba thành tố hợp thành năng lực của con người là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp. Trong đó kiến thức chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26 %, thái độ chiếm 70%. Vì vậy, bạn hãy xem vai trò từng yếu tố, có sự đầu tư hợp lý để phát huy tối đa năng lực bản thân để thành công.
Ngày nay, đã qua rồi thời kỳ cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm (ví dụ: Apple, Samsung đã nuốt Nokia), "chậm mà chắc chắn" sẽ thắng "nhanh" như câu chuyện Thỏ và Rùa. Đại dịch Covid-19 xảy ra chung với cả thế giới, bạn chấp nhận là "cá chậm" để bị nuốt hay thay đổi, thích nghi thành "cá nhanh" điều đó tùy vào sự tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm của chính bạn.
Thông điệp của câu chuyện là gì?
Không ít người dù trong khó khăn vẫn luôn tìm thấy cơ hội cho mình, nhưng cũng không ít người khi cơ hội đến, họ lại chần chừ, rồi bỏ qua vì ngại gian khổ. Có người vượt qua trở ngại bằng thái độ lạc quan, lại có người chao đảo bởi những ý nghĩ tiêu cực. Có người thì đến phút "90" lại buông tất cả vì không chịu được gian khổ, không "kham nhẫn" . Bởi vậy, không quá khi nói rằng “Thái độ đóng vai trò quyết định chuyện thành - bại của mỗi người”.
"Thái độ sống" đã được người xưa đúc kết: Thái độ (sống) thúc đẩy suy nghĩ; suy nghĩ thúc đẩy hành động; hành động tạo nên thói quen; thói quen tạo nên tính cách; tính cách tạo nên số phận…
Trong cuộc sống, không phải cứ có trang Web là nhiều người biết đến mình ngay, không phải cứ làm một video Youtube đầu tiên là sẽ có ngay ngàn "view", không phải cứ mở gian hàng thương mại điện tử là sẽ có "ra đơn" ngày hôm nay... Thực tế không giống như sách vở, không đúng như những lời hứa của các chuyên gia dạy làm giàu, không thực sự chính trực như những gì sách "self-help" dạy về thành công.
Nỗ lực (tiếng Anh "effort") là chưa đủ. Để thành công, chúng ta cần có sự "tinh tấn" (tiếng Phạn là "Viriya") để diệt trừ những "tham, sân, si" để gieo hạt giống thiện lành cho công việc kinh doanh được thuận lợi, cải thiện chữ tín và niềm tin với khách hàng.
Nguyễn Thị Kiều
TIGO Solutions