Trí tuệ EQ: Phản ứng thế nào nếu sếp hỏi "Bạn có rảnh không?"
Last updated: September 22, 2024 Xem trên toàn màn hình
- 04 Mar 2020 Kinh nghiệm lập dự toán chi phí dự án phần mềm theo phương pháp Man-Month
- 26 Jul 2024 "Khổ tận cam lai" - Làm thế nào để chuyển hóa từ khổ thành sướng?
- 04 Sep 2021 Tào lao là gì? Các bí quyết để tránh tào lao trong giao tiếp
- 04 Aug 2021 Đừng sợ đi chậm, chỉ sợ đứng yên
- 28 Apr 2023 Mô hình Why, How, What là gì?
Trên mạng xã hội (MXH) từng có một chủ đề rất thú vị: “Trong công việc, câu nói nào của sếp có vẻ bình thường nhưng thực ra lại cực kỳ sát thương?”.
Dưới chủ đề này, nhiều người dùng MXH đã đưa ra câu trả lời của mình. Trong đó, một câu trả lời của một cư dân mạng đã nhận được rất nhiều sự đồng tình và chú ý: “Bất kể tôi đang bận hay đang rảnh, thỉnh thoảng sếp lại hỏi một câu: ‘Có rảnh không?’. Nghe câu hỏi thì có vẻ rất bình thường, nhưng lúc đó tâm trí tôi đã quay 800 vòng để trả lời được câu hỏi này!”
Ở phần bình luận, không ít người đã chia sẻ cảm xúc của mình, trong đó có một bình luận: “Tôi nhớ một lần tôi đang làm bảng ngân sách quý, bận đến tối mặt tối mũi. Sếp bước vào hỏi tôi có rảnh không, tôi không nghĩ nhiều mà mà đáp thẳng: ‘Anh không thấy em đang bận sao?’ Kết quả là bảng ngân sách mà tôi thực hiện bị trả lại đến 3 lần”.
Tiến lên một bước thì đắc tội với sếp, lùi một bước thì tự ấm ức mình. Khi sếp hỏi “Bạn có rảnh không?”, câu hỏi tưởng ngắn gọn, đơn giản này lại chứa đựng rất nhiều ẩn ý sâu xa.
Vậy trả lời thế nào mới là khôn ngoan? Người thực sự thông minh đều có cách riêng của mình.
Tình huống 01
Khi sếp hỏi bạn “Có rảnh không?”, hãy thử tự hỏi, liệu lãnh đạo có vô cớ hỏi bạn có rảnh không? Chắc chắn là không. Họ hỏi như vậy, ý định thực sự là gì? Khi sếp hỏi bạn “Có rảnh không?”, ý định thật sự của họ thường ẩn giấu trong ngữ cảnh của câu hỏi.
Sếp có thể muốn biết về lịch làm việc của bạn hoặc muốn biết khối lượng công việc hiện tại của bạn và xem bạn có thể đảm nhận nhiệm vụ hoặc dự án mới không. Cũng có trường hợp có thể sếp muốn thông qua cuộc trò chuyện để hiểu về tình hình công việc hiện tại của bạn cũng như những điểm mà họ đang quan tâm.
Tôi nhớ đã đọc trên MXH về chia sẻ của một người dùng tên Tiểu Minh. Tiểu Minh là trưởng phòng marketing của một công ty, một lần, để hoàn thành kế hoạch quảng bá sản phẩm mới, anh đã làm việc bận rộn liên tục trong nhiều ngày.
Vào một buổi chiều, sếp trực tiếp của anh là giám đốc Lý bước vào văn phòng và hỏi: “Tiểu Minh, có rảnh không?”. Tiểu Minh biết giám đốc Lý rất bận, thường không có nhiều thời gian để trò chuyện với nhân viên.
Tiểu Minh đáp: “Anh có việc gì không ạ? Em đang bận kế hoạch quảng bá sản phẩm mới của công ty.”
Giám đốc Lý mỉm cười và nói: “Không có gì đâu, tôi chỉ muốn hỏi xem dạo này công việc của cậu thế nào? Có áp lực nhiều không?”
Tiểu Minh chia sẻ tình hình công việc cũng như khó khăn mà mình đang gặp phải. Sau khi nghe xong, giám đốc Lý đã đưa ra một số gợi ý và khích lệ anh, đồng thời nói rằng nếu anh cần giúp đỡ thì cứ nói.
Trong trường hợp này, khi sếp hỏi “Có rảnh không?”, có thể họ không thực sự hỏi về lịch làm việc của bạn, mà là muốn bày tỏ sự quan tâm đến công việc của bạn hiện tại. Những tình huống như thế này không hiếm.
Sếp cũng có thể muốn hỏi đề xuất của bạn: “Cậu có rảnh không, có thể xem phương án này có cần điều chỉnh gì không?”. Trong những trường hợp như vậy, sếp thường có thói quen hỏi câu “Có rảnh không?” trước. Dù ý định thật sự của sếp là gì, bạn cần phải hiểu ngữ cảnh và các thông tin liên quan để hiểu được đúng ý của sếp.
Tình huống 02
Có cần phải trả lời ngay khi được hỏi "Bạn có rảnh không?" không? Việc nhận và trả lời khi được hỏi là một phẩm chất nghề nghiệp cơ bản. Nhưng nhiều người lại cho rằng, khi sếp nhắn tin hỏi có rảnh không mà không trả lời, có thể tránh được nhiệm vụ.
Thực tế thì sao? Trong công việc, qua cách một người phản hồi, có thể đánh giá được rằng người đó có đáng tin cậy hay không.
Một người bạn của tôi kể rằng, trong công ty cô ấy làm trước đây, có một nhân viên trẻ gọi là Tiểu Lệ. Một lần, sếp nhắn tin hỏi liệu cô có rảnh không, nhưng vì quá bận nên cô không trả lời ngay, sau đó cũng quên mất việc này. Khi hết giờ làm, cô mới nhớ ra, nhưng nghĩ rằng quên không trả lời rồi thì thôi nên không để ý nữa.
Ngày hôm sau, sếp đã tìm cô nói chuyện. Hóa ra, sếp thấy cô đã làm việc trong công ty được 5 năm, hiệu suất làm việc tốt nên định đề xuất tăng lương cho cô. Nhưng vì cô không phản hồi, sếp đã quyết định trao cơ hội đó cho người khác.
Cô rất ấm ức: "Em chỉ vì bận quá nên chưa kịp trả lời”. Sếp nghe xong chỉ nói lần sau sẽ xem xét, nhưng ai cũng biết rằng lần sau là chuyện rất xa vời.
Bạn có thể tìm rất nhiều lý do cho việc không trả lời tin nhắn, nhưng đối với sếp, bạn còn không thể hoàn thành một việc đơn giản như trả lời tin nhắn, huống chi là những việc lớn liên quan đến sự phát triển của công ty.
Đừng coi thường giá trị của một tin nhắn, vì đằng sau đó là sự thể hiện của tác phong nghề nghiệp. Phản hồi kịp thời là sự tôn trọng và cũng là trách nhiệm.
Trong môi trường làm việc, phản hồi kịp thời là phẩm chất bắt buộc của mỗi người, dù chỉ là một câu đơn giản như "Em đã nhận được thông tin" hay "Em sẽ xử lý vào ngày mai". Sự im lặng là điều cấm kỵ lớn nhất nơi công sở.
Tình huống 03
Trước đây, trong công ty tôi từng làm việc, có một bạn trẻ mới vào làm tên là Trình Hi. Vì còn độc thân và là con trai nên sếp thường xuyên nhờ cậu ấy đưa đón khách hàng vào buổi tối. Thậm chí vào ngày nghỉ, sếp cũng thường giao cho cậu đi gặp khách hàng.
Công việc của Trình Hi vốn đã rất bận, thêm việc nào cũng phải trực 24/7 khiến cậu ấy kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một hôm, Trình Hi hỏi tôi: “Làm sao để từ chối sếp một cách khéo léo mà không làm mất lòng ạ?”
Tôi nói: “Với sếp, đừng nên việc gì cũng đồng ý, nhưng khi từ chối cũng không nên quá thẳng thừng. Hãy để sếp thấy sự chân thành và tinh thần tích cực của em”.
Khi đối mặt với yêu cầu của sếp, bạn có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau.
Bạn có thể trả lời “Sếp ơi, hiện tại em đang xử lý một công việc khẩn cấp, dự kiến khoảng 3 giờ chiều em sẽ xong, lúc đó em có thể dành thời gian cho công việc mà sếp giao”. Câu trả lời này vừa nêu rõ tình hình công việc hiện tại của bạn, vừa cung cấp một khung thời gian cụ thể để sếp biết bạn có thể rảnh lúc nào.
Hoặc bạn có thể trả lời “Sếp ơi, bây giờ em vẫn còn một số việc cần hoàn thành, nhưng em có thể nghe qua yêu cầu của sếp trước, để em có thể sắp xếp thời gian hợp lý hơn ạ”. Câu trả lời này thể hiện sự trách nhiệm của bạn với công việc, đồng thời cho thấy bạn sẵn sàng điều chỉnh lịch trình để hoàn thành nhiệm vụ mà sếp giao phó.
Bạn cũng có thể trả lời “Sếp ơi, thời gian này em khá bận, nhưng em sẽ cố gắng ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ mà sếp giao.” Câu trả lời này cho sếp biết bạn đang phải xử lý nhiều việc, nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm và coi trọng nhiệm vụ được giao.
Người EQ cao sẽ biết cách trả lời để vừa thể hiện được sự bận rộn của mình một cách khéo léo, vừa không khiến sếp cảm thấy bạn đang trốn tránh nhiệm vụ.
Trong giao tiếp, thái độ rất quan trọng. Việc trả lời sếp một cách tinh tế là một nghệ thuật. Ở nơi làm việc, khi nhận được câu hỏi "Bạn có rảnh không?" từ cấp trên, những câu trả lời thông minh không chỉ thể hiện tố chất nghề nghiệp và tinh thần làm việc của bạn, mà còn giúp bạn ghi điểm.
Minh Nguyệt
Theo Toutiao